Cảnh báo: Chiêu săn tài khoản ngân hàng và Facebook trùng tên để lừa tiền

Theo phản ánh của một số người dùng về việc bị lừa đảo chiếm tài khoản Facebook để nhắn tin mượn tiền bạn bè, người thân, đặc biệt tài khoản nhận tiền trùng cả ngân hàng và tên người dùng, chỉ khác số tài khoản. Chiêu lừa đảo tinh vi này đã khiến nhiều người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng qua mạng.

Thực hiện giao dịch

Một người dùng tại Hà Nội, nhận được tin nhắn từ Facebook của người thân trong nhà, nói có việc gấp cần vay tiền vào cuối tháng 1. Người này hứa sớm trả lại và đưa số tài khoản trùng họ tên của người này. Người dùng đã cẩn thận gọi video cho người vay để kiểm tra nhưng được vài giây phía bên kia đã tắt máy với lý do sóng kém, đồng thời nhắn tin trách rằng "tài khoản cùng tên vậy mà còn phải kiểm tra". Nghĩ mình lo lắng thái quá, người dùng đã gửi tiền cho vay. Nhưng sau đó, anh mới phát hiện bị lừa vì người thân bị chiếm tài khoản Facebook từ trước.

Cục An toàn thông tin cho biết, kẻ xấu có thể mua trên chợ đen, hoặc thuê những người nhẹ dạ đăng ký hộ để có tài khoản ngân hàng với người đứng tên bất kỳ một cách dễ dàng. Ngoài ra, lợi dụng kẽ hở của một số ngân hàng cho đăng ký mở online, kẻ xấu sử dụng giấy tờ, thông tin cá nhân bị đã bị lộ hoặc đánh cắp để đăng ký.

Kẻ xấu lợi dụng tâm lý của nhiều người tin tưởng khi chuyển tiền đến tài khoản mang tên người quen để tiến hành lừa đảo.

Sau khi có trong tay tài khoản ngân hàng nào đó, các nhóm lừa đảo sẽ săn tìm tài khoản mạng xã hội có tên tương tự, tìm cách lừa đảo chiếm đỏa tài khoản ví dụ gửi mã độc qua tin nhắn, email.

Sau khi đánh cắp được tài khoản Facebook, nhóm lừa đảo sẽ nhắn tin mượn tiền hoặc tung tiếp đường link dụ dỗ thêm các nạn nhân khác bằng Facebook của người bị hại.

Điều này cho thấy nguy cơ đe dọa ngày càng lớn từ việc rò rỉ dữ liệu cá nhân. Vì vậy, người dùng cần cẩn trọng hơn trong bất cứ giao dịch nào qua mạng.

Trong trường hợp, không chiếm được tài khoản Facebook cùng họ tên, kẻ xấu có thể “ăn trộm” ảnh, bài viết của người dùng để tạo tài khoản ‘nhái’, từ đó kết bạn để lừa người thân của họ.

Vì vậy, các chuyên gia bảo mật cảnh báo người dùng cần bảo vệ thông tin cá nhân một cách cẩn thận để tránh bị lợi dụng. Ngoài ra, trước khi tiến hành bất kỳ giao dịch nào, người dùng nên thực hiện các biện pháp xác minh danh tính qua một kênh khác. Ví dụ, khi nhận được tin nhắn từ Messenger, có thể gọi điện trực tiếp để đảm bảo đó đúng là người cần chuyển tiền.

Thứ Hai, 04/03/2024 08:13
54 👨 655
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ