Xoá “rác” trên máy tính Windows mới

Điều đầu tiên cần phải làm với bất kỳ máy tính mới chạy hệ điều hành Windows nào không phải là tìm cách sử dụng nó mà là tiến hành làm sạch tất cả những thứ không dùng đến. Ở bài này chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn bảy bước dễ dàng để có được chiếc máy tính “gọn gàng và sạch sẽ”.

Đưa một chiếc máy tính mới về nhà, lấy nó ra khỏi hộp và rồi … ai cũng thích thú ngắm nhìn vẻ ngoài bóng loáng không vết tì xước của nó. Nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, câu chuyện trên ổ cứng hoàn toàn khác. Hầu hết các hãng sản xuất phần cứng trên thế giới đều để ổ cứng ban đầu lộn xộn với các ứng dụng cài đặt sẵn như thanh công cụ trình duyệt, các thiết lập và tiện ích tìm kiếm, thậm chí cả các quảng cáo hấp dẫn nhằm lôi kéo bạn sử dụng thêm những phần mềm khác của họ.

Thực chất, các hãng sản xuất phần cứng lớn thường bán lẻ sản phẩm của họ hoặc trọn bộ máy tính cho đại lý phân phối ở khắp nơi trên thế giới trước khi đến được tay bạn. Thay vì cài đặt mặc định Windows hay các phần mềm yêu thích khác cho người tiêu dùng, hãng sản xuất chỉ quan tâm làm sao có được lợi ích lớn nhất cho mình và bạn hàng, thiết lập các chương trình nhằm quảng bá tên tuổi cho họ thay vì suy nghĩ đến sự thuận tiện cho người dùng.

Tất cả phần mềm mở rộng không mong muốn này đều gây ra những thiệt hại nhất định về thực thi và độ tin cậy. Mỗi lần hệ thống khởi động, nhiều ứng dụng cài đặt sẵn này chạy bên trong tiến trình nền. Trong khi chạy có thể chúng sẽ truy cập vào Internet để tìm file update hay thay đổi hoạt động của các chức năng Windows tiêu chuẩn. Những “kẻ ăn bám” cũng sử dụng tài nguyên hệ thống như vi xử lý, bộ nhớ và không gian ổ đĩa, khiến việc khởi động và shut down tốn nhiều thời gian hơn.

Vừa được lôi ra khỏi vỏ, chiếc notebook nhãn hiệu Acer của tôi đã có một khay hệ thống đầy ắp biểu tượng với hai bộ điều khiển.

Nhiều hãng sản xuất để desktop, khay hệ thống (phần ngoài cùng bên phải thanh taskbar) lộn xộn với những biểu tượng, nút, hộp thoại hình cầu màu vàng và nhiều trình nhắc khác với hy vọng bạn sẽ kích vào chúng và sử dụng dịch vụ của họ. Apple thậm chí còn ‘thọc lét’ khách hàng với dòng quảng cáo: “I’m a PC; I’m a Mac” (Tôi là một chiếc máy tính; Tôi là máy tính Mac!) trong tiện ích “Stuffed” (đòi hỏi phải có QuickTime mới dùng được).

Các ứng dụng và tiện ích không mời thường nhắm đến kiểu dịch vụ và sản phẩm có tính cạnh tranh cao như âm nhạc chẳng hạn. Gần như tất cả máy tính mới đều được đặt mặc định phần mềm cài đặt sẵn nhằm lôi kéo doanh nghiệp download nhạc về. Đó có thể là Napster, MusicMatch, RealPlayer hay Windows Media Player riêng của Microsoft. Phần mềm cài đặt sẵn thường sử dụng tất cả các file mở rộng liên quan đến âm thanh như .MP3 hay .WAV và đưa ra quảng cáo ngay trước mắt bất kỳ khi nào bạn muốn chạy một chương trình đơn giản như hiệu ứng âm thanh.

Gỡ bỏ chúng không phải lúc nào cũng dễ dàng như bạn nghĩ. Thậm chí nhiều chương trình cài đặt sẵn còn không cung cấp thường trình gỡ bỏ tiêu chuẩn nào.

Microsoft chắc chắn nhận thức được vấn đề, nhưng trong một chừng mực nào đó giải pháp nằm ngoài tầm tay họ. Hãng sản xuất máy tính chứ không phải Microsoft mới là người chịu trách nhiệm về phần mềm mở rộng cài đặt trên hệ thống và đảm bảo sự kết hợp cuối cùng hoạt động chính xác trước khi nó được gửi tới khách hàng.


Trên chiếc notebook mới của tôi, Internet Explorer 7 được tải xuống với các thanh toolbar tiền cài đặt.

Khi Windows XP được phát hành vào năm 2001, Microsoft đã cố gắng đưa ra hai thay đổi nhằm xử lý vấn đề. Thay đổi đầu tiên là lời nhắc người dùng với một thông báo đề nghị làm sạch biểu tượng không sử dụng trên desktop một vài tuần sau khi hệ thống được cài đặt. Thay đổi thứ hai là lời nhắc đề nghị người dùng ẩn biểu tượng không dùng thường xuyên trên khay hệ thống. Nhưng cả hai thay đổi này mới chỉ đơn thuần che đi sự lộn xộn và không giải quyết được cái gốc của sự việc.

Với nhiều thay đổi ở các vùng khác, Windows Vista cũng không cải thiện được nhiều cho lắm tình trạng bất cập do hãng sản xuất phần cứng gây ra. Tôi mới mua một chiếc máy tính xách tay hiệu Acer chạy hệ điều hành Vista Home Premium và nó cũng phải chịu những biểu tượng khó chịu như vậy, với quảng cáo và các tiện ích khởi động.

Và một số ứng dụng của nhóm thứ ba hoạt động rất tồi khiến tôi nghĩ rằng chúng vẫn chưa tương thích được với Vista. Ví dụ như Norton Internet Security của Symantec, thường đưa ra hộp thoại pop-up thông báo lỗi khi hệ thống phục hồi lại từ trạng thái “ngủ”. Các bản ghi nhật ký báo lỗi (file log) của Windows chỉ ra rằng một số thành phần phần mềm của Symantec là nguyên nhân gây ra vấn đề.


Bản ghi nhật ký báo lỗi của Vista cho thấy phần mềm Symantec tác động đến tốc độ thực thi của hệ thống.

Có cách nào tránh được tình trạng lộn xộn này? Với doanh nghiệp lớn và vừa thì có. Các hãng sản xuất phần cứng thường cung cấp cho người mua số lượng lớn tuỳ chọn cài đặt mềm dẻo hơn so với người tiêu dùng bình thường. Có thể bạn sẽ có phần cài đặt hệ điều hành “xương sống” hay thậm chí tự chọn cho mình tập hợp phần mềm cài đặt sẵn riêng. Các hãng sản xuất hệ thống nhỏ cũng có thể cung cấp chương trình cài đặt Windows ‘xương sống’ cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu bạn mua một máy tính mới, hãy chắc chắn mình đang có được bản quyền Windows hợp pháp cho hệ thống. Người xây dựng hệ thống ít nhất sẽ cung cấp chứng chỉ thẩm định, và tốt nhất là một đĩa Windows DVD nguyên gốc để bạn có thể dùng cho cài đặt lại hoặc sửa chữa hệ điều hành. Bạn có thể kiểm chứng rằng phần mềm Microsoft của mình không bị sao chép nếu ghé thăm website Genuine Microsoft Software.

Loại chương trình dư thừa

Gần như tất cả người dùng và doanh nghiệp nhỏ khi mua mới máy tính đều phải chứng kiến những phần mềm lộn xộn như trên chiếc Acer của tôi. Vì thế, việc đầu tiên cần làm vơi một chiếc PC mới cáu cạnh không phải là bắt đấu sử dụng nó mà là tiến hành làm sạch chương trình dư thừa trên.

Bước 1: Sao lưu

Trước khi bắt đầu, hãy nghĩ đến trường hợp phục hồi lại hệ thống nếu vô tình bạn xoá nhầm một số file quan trọng. Nếu mới chỉ lấy máy tính ra khỏi hộp và chưa đưa vào bất kỳ file riêng nào, bạn có thể phục hồi lại từ đĩa CD hay DVD do nhà sản xuất cung cấp (hay trung tâm nơi bạn mua máy tính cung cấp). Một số hãng không đưa cho khách hàng đĩa nhưng để lại ảnh cài đặt lại trên một phân vùng ẩn ở ổ cứng.

Nếu bạn đã sử dụng máy tính, sao lưu lại văn bản dữ liệu riêng là điều cần thiết. Một ổ lưu trữ ngoài như USB là một lựa chọn tốt.

Bước 2: Chạy PC Decrapifier

Sau khi sao lưu, bạn đã sẵn sàng bắt đầu dọn dẹp tình trạng lộn xộn. Một cách thức giúp công việc này được thực hiện nhanh chóng là sử dụng tiện ích có tên PC Decrapifier. Tiện ích này có thể tự động chạy chương trình gỡ bỏ mà nó biết là được cung cấp bởi nhiều hãng phần cứng ngay cả khi các hãng này không cung cấp chương trình gỡ bỏ. Tiện ích này miễn phí cho người dùng cá nhân và mất 20 đô la cho chuyên viêcn IT, những người có kế hoạch sử dụng nó trên nhiều máy tính.


PC Decrapifier đang làm việc

Khi chạy PC Decrapifier, một danh sách các đối tượng có thể xoá hoặc thay đổi được hiển thị. Mặc dù thực chất ban đầu Dell cho viết tiện ích này để xoá dữ liệu lộn xộn trên máy tính của hãng (và hiện vẫn làm việc tốt với các máy Dell), nhưng nó cũng hữu ích với nhiều máy tính thương hiệu khác. Ảnh dưới cho bạn thấy những gì tiện ích này có thể tìm được trên chiếc máy Acer của tôi.

Bước 3: Gỡ các chương trình một cách thủ công

Cho dù sử dụng PC Decrapifier thì sau đó bạn vẫn sẽ tìm thấy một số chương trình khác còn sót lại mà mình không dùng. Lúc ấy chắc bạn sẽ nghĩ đến giải pháp gỡ bỏ chúng một cách thủ cộng. Hãy vào Control Panel, sau đó chọn Add or Remove Programs (với XP) hay Programs and Features (trên Vista). Có thể bạn cần chuyển sang Classic View để xem dách sách các tuỳ chọn này.


Chỉ là một vài trong số các ứng dụng đã được cài đặt sẵn trên chiếc máy Acer của tôi.

Tất cả chương trình cài đặt trước cuả các hãng sẽ được hiển thị ở đây. Hãy để mắt đến những cái tên có các từ như “registration”, “tour”, “ofter” hay “trial”. Với bất kỳ đối tượng nào có “toolbar” thì cũng hãy cẩn thận. Đó thường là các thành công cụ trình duyệt, định hướng lại tìm kiếm của bạn tới website mà bạn không chọn. Tất cả các chúng rất xứng đáng để loại bỏ.

Nhưng mặt khác, đừng gỡ bỏ đối tượng được lập danh sách với tên driver (trình điều khiển). Chúng thường được yêu cầu để phần cứng kết hợp có thể hoạt động chính xác.

Một số phần mềm có thể xoá được, như trên máy của tôi có Acer Registration, Acer ScreenSaver Acer Tour. Hầu hết các phần mềm Acer khác đều là tuỳ ý, sử dụng hay không tuỳ thuộc người dùng, và có thể bạn sẽ muốn giữ lại Acer Deluxe (hỗ trợ chơi game). Nếu không thích dùng phần mềm bảo mật Norton của Symantec, bạn có thể gỡ bỏ nó. Cuối cùng, tôi thích sự đơn giản của Google và không thích các thanh toolbar trên trình duyệt nên Yahoo Toolbar cũng sẽ được gỡ bỏ.

Để gỡ bỏ một chương trình trong Windows XP, kích vào nút Remove > Yes. Trên Vista, kích phải chuột vào chương trình và chọn Uninstall.

Bước 4: Khởi động ở chế độ Safe Mode để gỡ bỏ tất cả chương trình còn lại

Có một số chương trình OEM ít phổ biến không thể gỡ được thông qua tuỳ chọn Add/Remove Programs hoặc chúng có tiện ích uninstall riêng nhưng không hoạt động. Bước tiếp theo của bạn là khởi động máy ở dạng Safe Mode (ấn giữ phím F8 khi Windows bắt đầu khởi động) và cố gắng gỡ chương trình trong Add or Remove Programs (với XP) hay Programs and Features (với Vista).

Không may là một số loại bỏ tiện ích uninstall của chúng ở chế độ Windows Safe Mode. Để xử lý vấn đề này, cố gắng cài đặt một tiện ích có tên SafeMSI, cho phép bạn gỡ bỏ phần mềm khỏi Safe Mode. Sau khi cài đặt xong, khởi động lại máy ở chế độ Safe Mode và thử lại.

Mẹo: Dùng SafeMSI để xoá xung đột phần mềm trong Vista

Khi cài đặt Windows Vista dưới dạng phiên bản nâng cấp lên từ môi trường Windows XP, có thể bạn sẽ thấy nhiều chương trình nền hỗ trợ các chức năng phụ “hướng phần cứng” (như tạo nhãn DVD) không hoạt động trong Vista hoặc xung đột với Vista ở một số điểm. Việc nhận được các thông báo lỗi trong Windows sau khi khởi động những máy nâng cấp lên Vista là khá phổ biến.

Cách tắt tất cả thông báo lỗi đó là loại bỏ phần mềm, nhưng thông thường không phải chỉ Uninstall là xong. Và Vista dường như ít cho phép bạn tự do gỡ bỏ các chương trình ở Safe Mode hơn XP. Nhưng với SafeMSI, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.

Bước 5: Phương sách cuối cùng với những phần mềm “cứng đầu cứng cổ”, hãy tìm với Google

Mặc cho những nỗ lực “tướt mồ hôi” của bạn, một số phần nào đó của phần mềm vẫn “khăng khăng” kháng cự lại các kênh gỡ bỏ thông thường. Khi đó, tìm kiếm chỉ dẫn trên Google là một phương sách hay. Có nhiều sản phẩm của các hãng thứ ba hỗ trợ gỡ bỏ phần mềm không mong muốn. Nhưng việc xoá các chương trình “dai như đỉa đói” này riêng cho từng kiểu ứng dụng. Và bạn sẽ gặp may mắn nhiều hơn với những lời chỉ dẫn đặc biệt khi tìm qua Google.

Bước 6: Khi gỡ bỏ phần mềm, hãy kiểm tra trình điều khiển

Khi tiến hành làm sạch các chương trình không cần thiết, hãy kiểm tra trình điều khiển mới của chúng. Hầu hết mọi phiên bản mới nhất của các trình điều khiển chính thức đều được đưa lên website của hãng sản xuất. Thông thường, các trình điều khiển hiện tại trên máy tính người dùng đều không phải là mới nhất, đặc biệt là ở các đại lý bán lẻ, nơi máy tính có thể được để trên giá trong vài tuần hoặc thậm chí hàng tháng trời.

Nếu website của hãng sản xuất không cung cấp trình điều khiển cho bạn thì hãy tìm kiếm một nguồn khác như trên website Windows Update. Thành phần Automaic Updates của Windows không hỗ trợ trình điều khiển nên bạn phải tự mình update các phiên bản mới nhất bằng cách vào windowsupdate.microsoft.com.

Bước 7: Phân mảnh và làm sạch ổ đĩa

Sau khi những phần mềm không mong muốn được loại bỏ và các trình điều khiển được update, bạn có thể phân mảnh ổ cứng (Start > Programs > Accessories > System Tools > Disk Defragmenter). Việc xoá, tạo mới file gây ra nhiều khoảng trống lãng phí trên đĩa cứng và làm giảm tốc độ thực thi của máy tính. Có thể bạn cũng sẽ muốn chạy chức năng Disk Cleanup (làm sạch đĩa cứng) bằng cách vào Start > Programs > Accessories > System Tools > Disk Cleanup. Bởi vì một số chương trình cài đặt hay gỡ bỏ để lại nhiều file rác đằng sau.

Tiến hành phân mảnh đều đặn hàng tuần sẽ giúp máy tính của bạn không bị giảm tốc độ. Vista hỗ trợ hoạt động này tự động, nhưng với XP thì bạn cần tự mình tiến hành.

Cuối cùng, máy tính đã sạch và sẵn sàng cho bạn cài đặt những phần mềm mình muốn. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên với khả năng mới tốt hơn nhiều của máy sau khi gỡ bỏ những phần mềm không mong muốn từ nhà sản xuất hệ thống.

Mẹo: Đừng mắc vào những cái bẫy gia hạn

Nếu bạn quyết định mua hay đặt dài hạn bất kỳ ứng dụng hay dịch vụ cài đặt trước nào trên chiếc máy tính mới, hãy nhớ rằng các công ty luôn mong bạn sử dụng dịch vụ của họ cho đến khi hết hạn và đăng ký thời hạn mới. Khi một hộp thoại pop-up hiện ra, thông báo cho người dùng biết thời hạn đăng ký của họ đã hết, hầu như người dùng nào cũng chỉ đơn giản nhập thẻ tín dụng của họ vào mà không cần lướt sang sản phẩm của hãng nào khác. Microsoft, Symantec và McAfee thậm chí còn bắt đầu đưa ra hoá đơn tự động cho người dùng để gia hạn sử dụng các sản phẩm của họ dễ dàng hơn.

Kết quả là các công ty thường đưa ra số lượng ít nhất các tiện ích thú vị khi gia hạn lại dịch vụ cho người dùng. Bạn sẽ lựa chọn được giá cả tốt hơn nếu mua ở các đại lý bán lẻ hoặc sử dụng bản nâng cấp có tính cạnh tranh cho các sản phẩm khác nhau. Như với Symantec, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền bạc hơn nếu gỡ bỏ sản phẩm hiện thời hết hạn và mua một bản copy hạ giá ở cửa hàng bán lẻ.

Thứ Hai, 07/05/2007 09:40
31 👨 1.523
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản