"Vị cứu tinh" cho cỗ máy tìm kiếm của Microsoft

Qi Lu – kẻ từng không có nổi 45 USD để nộp đơn xin học bổng, đang là niềm hy vọng số 1 của Microsoft trong cuộc chiến chống lại “ách thống trị” của Google.

"Chống lại Google là nghĩa vụ của tôi"

Có lẽ không mấy người “thấm” và hiểu cảm giác thất bại trước Google như thế nào bằng Qi Lu. Suốt hơn một thập kỷ qua, với vai trò là chuyên gia công nghệ phụ trách nhóm phát triển công cụ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến của Yahoo, Qi Lu và các đồng sự của mình đã phải chứng kiến cảnh Google sinh sau nhưng vượt qua Yahoo để trở thành ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Internet.

Qi Lu trong lễ ra mắt tại Microsoft hồi tháng 12/2008
Tháng 8/2008, Qi Lu quyết định rời khỏi Yahoo cùng với kế hoạch thành lập một công ty riêng hoặc trở về quê nhà Trung Quốc. Nhưng cuộc điện thoại của Tổng giám đốc Microsoft, Steve Ballmer đã khiến những kế hoạch đó không thành hiện thực.

Ông Steve Ballmer đã đề nghị Qi Lu về đầu quân cho Microsoft để phụ trách nhóm các chương trình trực tuyến và “thêm một lần làm vị tướng chỉ huy cuộc tấn công vào Google” với lời hứa sẽ được tạo điều kiện tốt nhất và chấp nhận “cuộc tấn công” này sẽ kéo dài hơn dự kiến.

"Càng nghĩ về điều đó, tôi càng cảm thấy như đó là một nghĩa vụ của mình" Qi Lu nói trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 5, "Đó là một cơ hội – một cơ hội thực sự và chúng tôi có thể làm thay đổi cục diện thị trường tìm kiếm, khiến nó trở nên cạnh tranh hơn và lành mạnh hơn

Mặc dù Qi Lu chỉ là một trong số ít người tin điều đó nhưng Microsoft vẫn quyết định ủng hộ niềm tin ấy hơn tất cả những gì ông đã có ở Yahoo.

Ngày 28/5, Microsoft đã lần đầu tiên chính thức giới thiệu cỗ máy tìm kiếm mới mang tên Bing. Thay vì chỉ tìm kiếm những đường link trên web, Bing được thiết kế để giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc đưa ra các quyết định kiểu như: nên mua chiếc xe hơi nào hay nên đi đâu trong kỳ nghỉ năm nay.

Để Bing có một lễ ra mắt ấn tượng hơn và thành công hơn, Microsoft đã quyết định đầu tư gần 100 triệu USD cho các chiến dịch quảng cáo cho nó. "Chúng tôi sẽ cho người dùng thấy rằng cả chúng tôi và Google cùng là những người sẽ giúp họ làm việc trên Internet
", Tổng giám đốc Ballmer nói.

Nhưng có điều Microsoft đã nhận ra tầm quan trọng của lĩnh vực tìm kiếm hơi muộn và chỉ thực sự bắt đầu xây dựng công cụ của mình từ năm 2003. Trong 3 năm đầu, “cuộc chơi tìm kiếm” này đã ngốn mất của Microsoft khoảng 3,5 tỷ USD nhưng thị phần của Live Search vẫn giảm tới 8% trong khi đối thủ Google đã chiếm tới 64%. Về mặt doanh thu, công cụ tìm kiếm của Microsoft vẫn mang về khoản tiền tương đương với mức của năm... 1998. Tệ hơn nữa, Microsoft còn bị Google tận dụng sự thống trị trên thị trường tìm kiếm để tấn công vào những “con gà đẻ trứng vàng” của Microsoft như Windows hay Office.

Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực tìm kiếm của Microsoft hiện nay vẫn tin rằng Qi Lu sẽ làm được nhiều điều tốt hơn để cạnh tranh với Google. Trong khi đó, Google - ông vua của lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến vẫn không ngừng cải tiến công nghệ và cùng với lợi thế không nhỏ trong việc đang thống trị gần 2/3 thị trường nên họ có điều kiện theo dõi các hành vi của người dùng để đưa ra những sản phẩm đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhất.

Ballmer: "Qi Lu là người tốt nhất thế giới để điều hành một hãng tìm kiếm"
"Microsoft đang tạo ra một số sự thay đổi thú vị nhưng họ vẫn chưa thể là kẻ làm thay đổi cuộc chơi", Danny Sullivan, Tổng biên tập của blog công nghệ Search Engine Land nói, “Tôi nghĩ Microsoft vẫn chưa hiểu họ đang đi sau Google xa thế nào”.

Trong khi đó, Qi Lu và những lãnh đạo của Microsoft vẫn tin tưởng rằng cỗ máy tìm kiếm mới của họ sẽ khiến Google bị tổn thương bởi Bing sẽ giải quyết nốt những cản trở cuối cùng trên con đường tìm kiếm của người dùng. Theo Microsoft, ít nhất 25% người dùng đã phải quay trở lại trang tìm kiếm ban đầu bởi kết quả mà Google đưa ra cho họ không thỏa mãn. Và Microsoft đã phát triển một tính năng mới giúp cho người dùng tránh được những click chuột lãng phí này.

Microsoft cũng đang dự định tiến hành một cuộc “cách mạng” bằng việc ký hợp đồng để đưa Bing trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên máy tính của các hãng HP, Dell hay tất cả những mẫu điện thoại của hãng Verizon.

Tuổi thơ nghèo khó và danh tiếng ở Yahoo

Qi Lu năm nay 47 tuổi. Sau một thời gian ngắn làm việc ở IBM, Qi Lu đã về đầu quân cho Yahoo và dấu ấn của ông ở công ty Internet lớn thứ 2 thế giới này rất đậm nét. Ông là người đã giúp Yahoo tiến hành 3 vụ thâu tóm lớn để cho ra đời dịch vụ tìm kiếm web đầu tiên vào cuối những năm 1990 và sâu đó là người lãnh đạo, phát triển các công nghệ tìm kiếm này lên một tầm cao mới, khiến nó mang tiền về cho Yahoo bằng cách đặt các mẩu quảng cáo bên cạnh kết quả tìm kiếm.

Không chỉ chiếm được sự tôn trọng của đồng nghiệp và danh tiếng bởi những thành tích ấy, Qi Lu còn khiến mọi người “ngả mũ” bởi sự khao khát và “niềm đam mê” làm việc hiếm có của mình.

Hàng ngày, Qi Lu đều thức dậy từ lúc 3 giờ sáng, chạy bộ khoảng 5 dặm và làm việc liên tục từ đó đến tận 10 giờ đêm. "Tôi không cảm thấy đó là quá nhiều bởi tôi luôn yêu mỗi ngày làm việc của mình”, người đàn ông đã lập gia đình và có 2 con này phát biểu.

Nhưng khao khát làm việc ấy đôi khi cũng làm hại Qi Lu. Suốt nhiều năm qua, ông luôn thúc ép các lãnh đạo công ty rót thêm tiền để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ tìm kiếm để cỗ máy tìm kiếm của Yahoo có thể tiếp tục theo đuổi cuộc đua với Google. Nhưng đã nhận được nhiều lời hứa mà không có tiền, Qi Lu quyết định ra đi.

Susan Athey: "Chẳng có lý do nào để nói rằng Microsoft không thể bắt kịp Google". Ảnh: Bloomberg
Qi Lu có một tuổi thơ nghèo khó nhơ hầu hết những đứa trẻ Trung Quốc khác sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Gia đình quá nghèo nên cha mẹ ông đã phải gửi ông đến sống chung với ông nội ở một thị trấn nhỏ trong tỉnh Jiangsu. Cuộc sống với ông nội cũng không có gì “dễ thở” hơn. Không điện, không nước máy và mỗi năm được một bữa cơm có thịt là cả một sự xa xỉ. Để cố trốn khỏi cái nghèo đói, Qi Lu đã quyết định xin vào làm việc cho một nhà máy đóng tàu. Nhưng thị lực kém đã khiến ông bị loại ngay từ vòng sơ tuyển.

Không được làm thợ đóng tàu, Qi Lu tìm đến với ngành học công nghệ máy tính với hy vọng có thể tìm được một công việc trong một nhà máy sản xuất radio nào đó. Sau khi đã lấy được bằng thạc sỹ, ông xin được một chân trợ giảng trong trường đại học Fudan ở Thượng Hải với mức lương 10 USD/tháng.

Một buổi chiều cuối tuần, thời tiết xấu do những cơn mưa báo đã khiến Qi Lu không thể đạp xe về nhà thăm cha mẹ như thường lệ. Đúng lúc đó, có người bạn cùng phòng ký túc xá thời đại học đến rủ Qi Lu đi tham dự buổi nói chuyện của giáo sư Edmund M. Clark.

Ấn tượng bởi những câu hỏi thông minh của Lu, giáo sư Clark đã đề nghị được xem những công trình nghiên cứu khoa học của ông và sau đó quyết định cấp cho Lu một học bổng tiến sĩ – điều mà suốt bao nhiêu năm qua Qi Lu không thể chỉ vì không có đủ 45 USD lệ phí nộp đơn dự tuyển.

Cứu tinh của Microsoft?

Nhiều người đến nay vẫn tỏ ra nghi ngờ và đặt câu hỏi liệu Qi Lu có đủ sự nhạy bén trong kinh doanh để trở thành vị cứu tinh cho lĩnh vực tìm kiếm của Microsoft hay không?

Một cựu lãnh đạo của Yahoo đã cho rằng, việc Qi Lu về Microsoft chỉ là con bài nhằm giúp Tổng giám đốc Microsoft Steve Ballmer dễ dàng thành công trong thương vụ thâu tóm bộ phận tìm kiếm của Yahoo và chuyển đổi nó thành “tài sản mang dấu ấn của Microsoft”. Nhưng ông Ballmer đã lên tiếng phủ nhận việc này: "Qi đến đây chỉ với một lý do rất rõ ràng: Ông ấy là kẻ tốt nhất thế giới để điều hành một hãng tìm kiếm”.

Tháng 12/2008, Lu về làm chủ tịch bộ phận dịch vụ trực tuyến của Microsoft và “thừa kế” chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ tìm kiếm “đã được khởi động từ giữa năm 2007”. Ballmer đã chiêu mộ thêm Susan Athey, một nhà kinh tế học trẻ tuổi tốt nghiệp Harvard về trợ giúp cho Qi Lu trong việc “thay đổi những quan điểm” về tìm kiếm.

Ngay từ ngày đầu tiên về Microsoft, Athey đã đặt lên bàn ban lãnh đạo Microsoft một bản kiến nghị cho rằng thị trường tìm kiếm có thể không đủ chỗ cho một kẻ thứ 2 nếu như Microsoft không nhanh chóng “lớn lên” và thúc đẩy các quá trình sáng tạo nhanh hơn nữa, và quan trọng nhất việc cố gắng theo đuổi vụ thâu tóm Yahoo như Steve Ballmer đang làm là không thể đủ.

Sau một vài nghiên cứu và khảo sát sau đó, vị chuyên gia kinh tế trưởng này của Microsoft đã phát hiện ra những “trục trặc” mà người dùng tìm kiếm đang gặp, Susan Athey tuyên bố: "Chẳng có lý do nào để nói Microsoft không thể đuổi kịp Google".

Kể từ đó, Lu đã đặt ưu tiên phát triển một chiến lược dài hạn trong khi vẫn siết chặt và thúc đẩy nhanh hơn nữa các hoạt động hiện tại của bộ phận tìm kiếm. Câu “thần chú” mà ông hay nói với các nhân viên của mình rằng: “Hãy cố gắng vươn lên cao hơn cả những đám mây trong khi đôi chân vẫn chạm đất”.

Mỗi khi đi họp, Qi Lu luôn đến cùng với một tập tài liệu rất dày với vô số những chú thích bên lề và thường xuyên yêu cầu mọi người phải viết báo cáo tóm tắt ngay sau đó. Với bộ phận tìm kiếm, Qi Lu buộc các nhân viên phải đưa ra các dự báo doanh thu theo từng ngày thay vì từng tháng như trước đây. Điều này nhằm mục đích các nhân viên phải cảm thấy được áp lực trong từng giờ làm việc nếu không muốn tiếp tục bị Google bỏ xa hơn nữa.

Nhưng như Qi Lu đã tiết lộ, sức mạnh thực sự của Microsoft là ý chí và sự sẵn sàng thực hiện một kế hoạch dài hơi trong cuộc đua giành lại khách hàng từ tay Google.

Hiện, nhóm của Lu vẫn đang được phối hợp rất chặt chẽ với các bộ phận nghiên cứu khác của Microsoft để có thể đưa vào công cụ tìm kiếm những công nghệ mới nhất mà Microsoft vừa phát triển.

Có lẽ đến một ngày không xa nào đó, mọi người chỉ cần đọc lệnh tìm kiếm vào chiếc điện thoại di động của mình và nhận kết quả chứ không cần phải gõ lên bàn phím như hiện nay. “Bing chỉ là bước đầu tiên của một hành trình rất dài”" Qi Lu nói.

Thứ Hai, 01/06/2009 09:07
52 👨 1.580
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp