Tuyên chiến với tội phạm máy tính

"Siêu xa lộ thông tin không phải là đường cao tốc để chuyển tải tội ác. Ngăn chặn tội ác trên Internet sẽ là ưu tiên hàng đầu của cơ quan công lực liên bang”. Đầu tháng này, ông John Ashcroft - Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã tuyên bố như vậy trước khi triển khai một cuộc chiến tổng lực trên không gian điều khiển. Càn quét thế giới mạng Cục Điều tra Liên Bang (FBI) đã phối hợp với 43 đơn vị của Bộ Tư Pháp Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), Cục Thanh tra Bưu chính (PIS), Mật Vụ, Cục Thuế quan và Nhập cư để triển khai một cuộc điều tra có tên là “Chiến dịch Càn quét Thế giới Mạng” (Operation Cyber Sweep). Sau hai tuần càn quét thế giới ngầm trên Internet, kết thúc giai đoạn đầu của chiến dịch, FBI đã bắt giam 130 tội phạm, thu hồi hơn 17 triệu USD. FBI còn xác định được danh sách của 125.000 nạn nhân, đã mất tổng cộng khoảng 100 triệu USD. Thế nhưng những con số ấy quá nhỏ so với thực tế. Tội phạm trên không gian ảo không chỉ là lừa đảo, tống tiền mà còn là những hành vi như viết và phát tán virus phá hoại dữ liệu, làm hư hỏng thiết bị (chỉ trong 8 ngày của tháng 8 vừa qua, sâu máy tính Blaster đã gây thiệt hại ước khoảng 2 tỉ USD), đột nhập vào các tài khoản để đánh cắp tiền bạc hay xâm nhập vào các cơ quan khác để đánh cắp thông tin. Tội phạm tin học còn bao gồm cả khủng bố và gián điệp kinh tế. Những tổ chức tội ác chuyên buôn ma túy, vũ khí hay buôn người cũng đã bắt đầu thả vòi vào môi trường mạng. Interpol cũng đã nhập cuộc Interpol (Cảnh sát quốc tế) cũng đã lập nhiều nhóm an ninh mạng, phối hợp với đội ngũ chuyên gia mạng để chống các hình thức tội ác trong thế giới mạng. Các nhóm này phối hợp theo khu vực Mỹ, Âu, Phi và châu Á-Thái Bình Dương. Mỗi nhóm bao gồm những người đứng đầu đội đặc nhiệm chống tội ác tin học (Information Technology Crime Unit – ITCU) của một quốc gia. Tuy các đội đặc nhiệm ITCU của từng quốc gia có nhiều khác biệt nhưng Interpol vẫn liên tục tổ chức trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật tình hình tội phạm và huấn luyện các kỹ năng tin học cần thiết để các nhóm chiến đấu với tội phạm tin học và chiến thắng thế giới ngầm trên Internet. Nhóm phối hợp châu Á-Thái Bình Dương của Interpol hình thành từ năm 1998 và Việt Nam trở thành thành viên từ năm 2002. Ngày 5-11, khi Microsoft tuyên bố sẽ thưởng tiền cho người tố cáo kẻ phát tán virus thì Interpol phát hành thông cáo báo chí, tuyên bố hợp tác với Microsoft chống lại tội ác máy tính toàn cầu. Theo đó, Interpol sẽ phối hợp với FBI và cơ quan Mật vụ Mỹ nhằm thông qua chương trình "diệt virus bằng tiền" của Microsoft để xác định và đưa những kẻ phát tán các loại virus, sâu máy tính có yếu tố phá hoại ra trước vành móng ngựa. Giám đốc Ban Công nghệ và Hệ thống Thông tin Interpol – ông Peter Nevitt – tuyên bố: "Dù một số người vẫn cho rằng phá rối trên mạng chỉ là đùa nhưng các trò đùa này đang đe dọa sự an toàn vật chất của những con người có đời sống phụ thuộc vào công nghệ thông tin và gây lãng phí khôn lường cho tài nguyên, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hạ tầng điện tử hay kỹ thuật số của cả một quốc gia". Cuộc chiến toàn cầu Chống tội phạm tin học đã trở thành cuộc chiến có quy mô toàn cầu. Hôm 19-9, tại Singapore, đại diện 10 nước thành viên ASEAN đã ra thông cáo chung về việc chia sẻ thông tin liên quan đến an ninh máy tính trong năm tới và dự kiến sẽ hoàn tất việc thiết lập những đội đặc nhiệm chống tội phạm trên mạng vào năm 2005. Mỗi nước trong 10 nước thành viên ASEAN sẽ tự thiết lập những đội phản ứng khẩn cấp chuyên về an ninh máy tính (Computer Emergency Response Team, gọi tắt là CERT). Mỗi đội có ít nhất là 12 người. Các đội đặc nhiệm này sẽ chia sẻ những thông tin liên quan đến hacker, các loại sâu và virus máy tính, đồng thời hợp tác chống lại những hình thức tội ác mới trên mạng. Bước đầu tiên – một hiệp định khung về chia sẻ thông tin – có thể sẽ được thông qua vào năm tới. Ở Singapore – quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN tuyên chiến với tội phạm tin học – các nhà làm luật đã thông qua luật chống tin tặc và đặt tầm quan trọng của bảo mật hệ thống mạng máy tính ngang tầm với an ninh quốc gia. Theo đó, cơ quan công lực Singapore có quyền đột nhập máy tính của những kẻ tình nghi là tin tặc, nếu đủ chứng cứ xác định tin tặc nào đã đột nhập trái phép hay đánh sập một website, y có thể bị phạt giam ba năm và bị phạt một khoản tiền tương đương 5.800 USD. Tại Anh, Đơn vị chống Tội ác Công nghệ cao Quốc gia (National Hi-Tech Crime Unit, gọi tắt là NHTCU) hiện có 55 sĩ quan đặc nhiệm chuyên truy lùng các tổ chức tội ác trên Internet. Hai năm nay, NHTCU đã bắt giam 110 tội phạm vì tống tiền qua mạng, đột nhập trái phép các hệ thống mạng. Đầu tháng 10-2003, lực lượng cảnh sát mạng của Đức cũng đã phá một đường dây kiếm tiền bất chính từ những website khiêu dâm liên quan quan đến trẻ em, đường dây này dính líu đến 26.500 người dùng máy tính ở 166 quốc gia. Tuần qua, Liên minh châu Âu vừa thành lập Cục Bảo mật Thông tin và Mạng châu Âu (European Network and Information Security Agency, viết tắt là EINSA), một cơ quan giữ vai trò “Bộ Tổng tham mưu”, điều hành cuộc chiến chống tội ác trên Internet. EINSA sẽ được cấp 24.3 triệu euro để bắt đầu hoạt động vào năm 2004, với trụ sở chính đặt tại Brussels (Bỉ). Châu Âu còn đề xuất thông qua một hiệp định đa phương để chống tội phạm trên mạng với các qui định cụ thể về bằng chứng điện tử để tăng cường hiệu quả của cuộc chiến tổng lực nhằm thanh lọc môi trường mạng. Hiệp định đòi hỏi mỗi nước tham gia phải cấm tất cả các hoạt động phân phối phần mềm sử dụng cho những mục đích phạm pháp trực tuyến, đồng thời buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) phải đảm bảo việc cung cấp thông tin lưu trữ ngay khi cơ quan chống tội phạm có yêu cầu, cho phép nghe trộm qua mạng. Hiệp định còn bao gồm cả việc phối hợp để dẫn độ tội phạm máy tính, cho phép cảnh sát yêu cầu đồng nghiệp ở quốc gia khác phối hợp thực hiện điều tra. Mỹ tỏ ra rất sốt sắng với hiệp định này và đang tích cực thúc giục thông qua hiệp định với hy vọng sớm thiết lập những tiêu chuẩn chống tội phạm quốc tế trong các vấn đề như: xâm phạm bản quyền, gian lận thương mại trực tuyến, khiêu dâm trẻ em, xâm nhập mạng trái phép. Bộ Tư pháp Mỹ tin rằng hiệp định vừa nêu sẽ góp phần giải quyết những trở ngại về thủ tục pháp lý mà từ trước đến nay vẫn làm chậm tiến trình điều tra và dẫn độ quốc tế. Tuyên bố trước Thượng viện Mỹ hôm 17-11, Tổng thống Bush coi hiệp định đa phương của châu Âu là "công cụ hữu hiệu trong nỗ lực toàn cầu chống tội phạm máy tính". Theo ông Bush: "Hiệp định sẽ góp phần loại bỏ nơi ẩn náu cho tội phạm, trong đó có khủng bố, những đối tượng có thể gây thiệt hại cho quyền lợi của Mỹ từ nước ngoài thông qua mạng máy tính toàn cầu". Chính quyền Bush tin chắc rằng Thượng viện Mỹ có thể thông qua hiệp định, vì các quy định hoàn toàn phù hợp với luật pháp Mỹ. Không dễ thắng Dù là nước đi tiên phong trong nghiệp vụ chống tội phạm máy tính, các chuyên gia của FBI vẫn tỏ ra dè dặt trước kết quả đã đạt được trong chiến dịch Operation Cyber Sweep cũng như triển vọng hợp tác chống tội phạm tin học toàn thế giới. John McCabe – một thành viên thuộc đội đặc nhiệm của FBI tại Minneapollis cho biết: "Điều tra tội ác trên mạng là điều hết sức khó khăn. Tuy nhiên vẫn có thể hi vọng. Dù ranh ma song tội phạm tin học vẫn để lại những dấu tay điện tử trên không gian ảo. Nhờ những dấu vết này mà chúng tôi tìm ra chúng". John Pescatore - một cựu nhân viên mật vụ Mỹ, nay là phó chủ tịch một công ty bảo mật Internet thì cho rằng chống tội phạm trên mạng là "trò chơi mà người chơi thua ngay từ đầu". Theo ông: "Hầu hết các tội ác đều được giải quyết qua các đầu mối cung cấp tin tức và cơ quan công lực chưa có đủ điều kiện để thâm nhập, trà trộn vào những nhóm tin tặc hay các tổ chức tội ác công nghệ cao". Vì vậy, cảnh sát mạng "chỉ bắt được những tên tội phạm đần độn". Pescatore tin rằng giải pháp nằm ở công nghệ tiên tiến chứ không nằm trong nghiệp vụ điều tra của các cơ quan công lực. Theo eChip
Thứ Bảy, 06/12/2003 01:30
31 👨 563
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp