“Vẽ” tranh bằng máy ảnh

Có những bức hình phong cảnh trông như tranh màu nước hay sơn dầu nhưng làm người xem ngỡ ngàng khi họ phát hiện ra chúng được thực hiện bằng... máy ảnh số.

Để thực hiện được “bức tranh” như thế này, trước hết bạn cần có một phong cảnh đủ đẹp, giàu màu sắc và lãng mạn. Thường thì tranh màu nước hay sơn dầu có những đường nét không rõ viền như nhiều loại tranh khác và ảnh chụp. Trên đó có những nét quết màu đầy cảm xúc, loang lổ, mơ hồ, không cần rõ viền và màu bám nổi lên cả mặt tranh. Nhiếp ảnh có thể tạo ra một chút cảm xúc gần giống như thế, nhưng cần sự tinh tế và khổ luyện của người chụp.

Bức ảnh trông như tranh vẽ - (Ảnh: Betterphoto)

Cách dễ nhất là tìm đến những mặt hồ trong vắt soi bóng hàng cây, phố phường... Ngày không cần nhiều nắng nhưng cần một chút gió nhẹ làm lao xao mặt hồ. Các gợn sóng nhỏ sẽ làm khung cảnh in xuống mặt nước bị nhòe đi, không rõ nét như cảnh trên bờ. Lúc này bạn đặt ống kính sao cho có thể chụp được mặt nước và đối tượng mà không in các hình thừa khác.

Mặt hồ gợn sóng li ti sẽ giúp bạn chụp được “tranh sơn dầu” ấn tượng

Bí quyết” khác nữa là tận dụng các cơn mưa mùa thu trong thời gian này và tấm cửa kính. Khi mưa táp vào cửa kính lớn, bạn sẽ thấy phong cảnh ngoài đường phố trở nên nhạt nhòa, không rõ đường nét nữa, nhưng vẫn còn đủ hình khối để tạo nên những “bức tranh” tuyệt đẹp.

Các cách làm trên là nhờ đến ngoại cảnh. Còn khi bạn thấy phong cảnh đẹp mà muốn sáng tác “tranh” thì có thể áp dụng thủ pháp sau đây: Đặt tốc độ màn trập hơi lâu một chút rồi giữ máy chắc chắn, tì tay lên bất cứ vật gì cứng cáp rồi bấm nút chụp, di chuyển máy theo các đường dích dắc rất nhỏ.

Bức hình này được chụp qua cửa kính nhòa nước

Chú ý trong lúc di chuyển máy vẫn phải rất cứng tay và di chuyển đều đặn, dứt khoát. Điều này sẽ giúp bức ảnh cuối cùng bị nhòe nét răng cưa một chút nhưng vẫn rõ nhịp điệu thể hiện bằng đường dích dắc mà bạn vẽ ra.

Tuy nhiên, khi sáng tác, các tay máy có thể thiên biến vạn hóa nét vẽ của mình. Có thể đơn giản chỉ là một động tác lia máy (kỹ thuật panning) từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, miễn sao phù hợp với chủ đề. Có thể đó là cách lia máy theo đường vòng, xoắn ốc để tạo sức hút cho bức ảnh. Cũng có người lia máy từ trên xuống dưới khi chụp hàng cây, nhưng đến phần gốc thì vẽ đường dích dắc để tạo ra sự vững chãi mơ hồ...


Bức tranh” này được tạo ra bằng cách lia máy theo chiều dọc


Đây là một tấm “ảnh hút” trông như tranh, chụp bằng cách bấm máy vào giữa rồi lia máy theo vòng tròn ra ngoài


Bức này được thực hiện bằng cách zoom xa chụp ngọn cây rồi ngay lập tức zoom gần lại với tốc độ khá đều

Thứ Bảy, 17/10/2009 07:31
31 👨 1.518
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp