Quy tắc một phần ba

Chủ thể nằm chính giữa khung hình thường lôi cuốn sự chú ý nhưng làm cho bức hình thiếu chiều sâu. Do đó, muốn bức ảnh có sức cuốn hút bạn phải dịch chuyển chủ thể sang bên một cách tinh tế.

Thi thoảng ta cần đặt chủ đề vào chính giữa khung hình, tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, để cho tấm hình cân đối hơn, thú vị hơn và có bố cục vững hơn thì chủ thể cần phải tránh điểm chính tâm.

Đặt đỉnh núi nhuộm nắng vào “điểm mạnh” giúp bức ảnh trở nên thanh thoát hơn, người xem biết phải nhìn vào đâu, bởi tất cả các thành phần trong bức ảnh đều hướng người xem vào chủ đề. Ảnh: Dcmag.


Một trong những cách thường được áp dụng nhất để dẫn ánh mắt của người xem vào chủ đề đó là áp dụng quy luật 1/3.

Chắc hẳn bạn đã từng đọc các tạp chí máy ảnh số hoặc nghe các nhiếp ảnh gia nói về công cụ xác định bố cục mà các họa sĩ đã phát triển hàng thế kỷ trước. Đại ý là khung hình được chia làm 9 phần đều nhau bởi 2 đường ngang và 2 cột dọc. Sau đó đặt chủ thể hoặc điểm cần nhấn vào một trong 4 giao điểm của các đường này, cách đó sẽ dễ dàng hướng ánh mắt người xem vào chủ đề và tạo một bố cục cân đối hơn.

Cũng có một quy luật khác đó là “tỷ lệ vàng” (golden mean) tuy cách chia tỷ lệ có khác quy luật 1/3 một chút nhưng về ý tưởng là tương tự.

Mặc dù chủ đề của hình ảnh này có vẻ là chính tâm, nhưng nó đã được hướng tầm nhìn từ một góc của khung ảnh; hình thù và đường nét khá thú vị của bộ trang phục hướng người xem về phía trên của khung. Ảnh: Dcmag.


Tuy nhiên, không phải bức ảnh nào cũng được chụp theo quy luật 1/3, nếu vậy thì ta sẽ có hàng loạt hình với một kiểu tương tự nhau mất.

Đôi khi chỉ cần hích nhẹ chủ điểm lệch tâm một chút để tạo nên một bức ảnh cân đối, cũng có lúc phải đẩy nó ra gần mép khung hình. Thi thoảng ta cũng chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc xếp chủ thể đúng giữa, miễn sao đúng là chủ định của ta muốn hướng ánh mắt của người xem vào đó.

Tưởng tượng đang ở trên thảo nguyên châu Phi, một chú sư tử lao thẳng về phía bạn. Lúc đó chắc bạn muốn chú sư tử này nằm giữa khung hình. Một lý do nữa là khi con vật này nằm đúng giữa thì bạn sẽ có thể sử dụng được phần tử lấy nét nhạy bén nhất ở trung tâm để bám theo chuyển động. Ngoài ra, nếu ánh mắt của con vật nhìn thẳng vào bạn thì việc cho nó vào trung tâm là việc đương nhiên.

Bằng cách đặt biển báo tàu điện ngầm lệch khỏi tâm, và sử dụng đường chéo của thang cuốn dẫn tầm mắt xuyên qua chủ đề, tác giả đã thành công trong việc nhấn mạnh đầu phía kia của đường hầm. Ảnh: Dcmag.


Ngoài ra, phải tuân theo nguyên tắc cận cảnh và sử dụng các đường thẳng.

Trên thực tế, nguyên tắc cận cảnh này có thể áp dụng cho bất cứ chủ thể nào, không chỉ cho phong cảnh hay chụp góc rộng.

Các đường chéo cũng góp vai trò quan trọng, nhất là khi có một đường chéo ngắn ở một bên chủ đề và một đường chéo dài hơn nằm ở bên kia. Các đường thẳng dẫn đến chủ đề nằm ở trung tâm cũng giúp tấm ảnh bớt trơ.

Ảnh chụp bằng chế độ panorama. Ảnh: Dcmag.


Quy luật 1/3 có thể áp dụng cho nhiều loại định dạng khung hình: vuông, chữ nhật hoặc toàn cảnh.

Chỉ cần chia đều chiều ngang và chiều dọc ra làm ba là ta đã có đường mạnh và điểm mạnh. Bức ảnh trên có chủ đề là những tia sáng. Bằng cách bố cục lệch tâm, ánh mắt người xem tha hồ "dạo chơi" trên toàn khung hình nhưng rồi cũng lại quay về một điểm. Điểm góc trên phải là điểm mạnh nhất và cũng là điểm mà người xem bất giác nhìn vào đó đầu tiên. Tiền cảnh cũng cần phong phú để bức ảnh thú vị nhưng không được có những yếu tố gây nhiễu, lái ánh mắt người xem lệch khỏi chủ đề chính – mà trong hình này là khu vực sáng nhất.

Thứ Bảy, 16/08/2008 08:53
31 👨 587
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp