Mẹo chụp ảnh "siêu" nét

Để ảnh nét, không những cần máy ảnh tốt mà còn cả kỹ thuật chụp lẫn kỹ thuật xử lý hình ảnh. Dưới đây là 10 mẹo làm cho ảnh nét hơn của tạp chí Outdoor Photographer.

1. Chọn độ mở đúng

Nếu khung cảnh cần độ sâu màu lớn, hãy nhớ hạ khẩu độ xuống càng thấp càng tốt như f/16. Nếu khẩu độ quá nhỏ có thể khiến tốc độ chụp ảnh chậm đi, lúc đó mới chỉnh ISO hoặc khẩu độ lên chút ít để bù lại.

Tuy nhiên, đôi khi một bức ảnh mà chỗ nào cũng nét lại khiến cho nội dung bị loãng. Nói chung, cảnh vật sẽ thường không thể hiện được độ nét nếu không có gì so sánh rõ ràng. Vì thế, trong trường hợp này hãy lùi độ mở xuống f/5,6 để hạn chế trường nét lại. Thủ thuật trên sẽ tạo ra một sự tương phản giữa một vùng nét và vùng không nét, khiến cho vùng nét trông sẽ lại càng nét hơn.

Cảnh vật sẽ không thể hiện được độ nét nếu không có gì so sánh rõ ràng. (Ảnh: Icis).

2. Chọn đúng tốc độ

Trong một số trường hợp cần chụp với tốc độ nhanh, hãy nghĩ đến việc tăng ISO. Nếu chụp ảnh dùng tay thay vì chân máy, hãy sử dụng tốc độ đủ nhanh. Chức năng chống rung cũng như kinh nghiệm chụp ảnh của nhiều người cầm máy có thể giúp hạ thấp tốc độ tối ưu mà không rung xuống chút ít nhưng nếu không chắc. Bạn có thể thử chụp một cảnh với chân máy và chụp tay ở những tốc độ khác nhau, sau đó phóng thật to ảnh để xem tốc độ nào là tối ưu để cho ảnh vừa đúng ý vừa nét đến từng chi tiết nhất.

3. Sử dụng chân máy với đầu nối chắc chắn

Mọi người thường đã quá quen thuộc với việc sử dụng chân máy chống rung, vì thế, đây có thể được coi là phương pháp hơn là thủ thuật. Hãy nhớ sử dụng những chân máy có chất lượng, tốt nhất nên đầu tư cho các chân máy đắt tiền, sử dụng vật liệu sợi carbon, do các chân máy này vừa vững chãi lại vừa đảm bảo trọng lượng nhẹ nhàng.

Sử dụng chân máy. (Ảnh: Outdoorphotographer).

4. Trong một số trường hợp nên chuyển thành chế độ chụp liên tục

Sẽ có lúc bạn phải chụp trong những điều kiện khó có thể nét như chụp ở tốc độ chậm, không có chân máy, trong khi cần ổn định máy hay chụp mà đối tượng có các phần chuyển động như trong gió chẳng hạn.

Lúc này, hãy nghĩ đến việc chuyển máy ảnh sang chế độ chụp liên tục. Cho dù rõ ràng đây không hẳn là các pha hành động và bạn vẫn đang chụp với tốc độ chậm, nhưng hãy giữ nút chụp ảnh sao cho có thể chụp liền 5, 6 tấm liên tiếp. Mặc dù kết quả là tất cả các ảnh có thể không nét nhưng chắc chắn sẽ có 2-3 bức dùng được.

5. Cẩn thận với kính lọc làm ảnh không nét

Khi mua một ống kính rất có thể bạn sẽ được người bán tư vấn mua thêm kính bảo vệ để chống bụi và xước. Nhưng nên nhớ, ống kính máy ảnh là các thấu kính phối hợp với nhau theo một cơ chế rất tinh vi, sao cho tạo ra được một bức ảnh nét nhất, vì thế việc lắp thêm một kính bảo vệ rẻ tiền chặn trước nguồn sáng đi qua có thể sẽ là nguyên nhân gây nên độ kém nét cho bức ảnh.

6. Làm nét sử dụng phần mềm

Quy trình làm nét là một bước xử lý quan trọng. Nhưng nếu chụp ảnh RAW, nên nhớ rằng, bạn cần phải làm nét sau trên máy tính bởi lẽ ảnh nguyên gốc này sẽ bỏ qua quy trình làm nét của bộ xử lý hình ảnh trong máy ảnh. Vì rất nhiều lý do kỹ thuật, bức ảnh được cảm biến hiển thị khó thể hiện được độ nét thực sự của ống kính, vì thế vẫn cần một số xử lý hậu kỳ. Nếu chụp ảnh JPG, hãy cẩn thận hơn với quá trình làm nét hậu kỳ bởi định dạng này đã được xử lý làm nét trước trong máy ảnh rồi.

Nhiễu bắt nguồn từ ISO cao. (Ảnh: Outdoorphotographer).

7. Biết độ nét tối ưu của ống kính bạn dùng

Hầu hết ống kính đều có một khoảng độ mở mà ở đó, ống kính này cho độ nét tối đa, mà thông thường sẽ nằm ở khoảng giữa độ mở tối thiểu và tối đa của ống kính. Đối với các ống đắt tiền, khoảng độ mở nét có thể gần bằng với khoảng độ mở thực. Còn đối với loại rẻ tiền hơn, thông thường, khoảng độ mở nét chỉ là vài khẩu độ ở phần giữa.

8. Cầm máy ảnh đúng cách

Không phải lúc nào bạn cũng có thể cầm theo chân máy, vì vậy, hãy học cách cầm máy ảnh đúng cách để sao cho ổn định nhất. Từ đó có thể giúp bức ảnh trở nên nét hơn. Các máy DSLR thông thường đều được thiết kế để cầm theo phong cách tiêu chuẩn với tay phải nắm vào tay cầm máy, tay trái đỡ ở dưới chân đế với các ngón tay bao quanh ống kính để chỉnh zoom hoặc khoảng cách. Hãy ghi nhớ tư thế này thay vì cầm một tay hay đỡ ngược, có thể khiến ảnh kém nét hơn.

9. Cẩn trọng với phần mềm giảm nhiễu

Một trong những thách thức của nhiếp ảnh là nhiễu hạt, vốn bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân như sử dụng ISO cao, để phơi sáng lâu… Một số phần mềm có khả năng khử nhiễu khá hiệu quả để cho ra một bức ảnh chất lượng hơn. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, phần mềm nhiều khi không thể phân biệt được nhiễu với các chi tiết nhỏ trong bức ảnh của bạn. Vì thế, đôi khi áp dụng các phần mềm giảm nhiễu lại làm mất đi độ nét của bức ảnh. Nhất là với các máy ảnh độ phân giải càng ngày càng cao được các hãng sản xuất tích hợp chức năng giảm nhiễu để cho bức ảnh trông đẹp hơn nhưng sẽ làm cho ảnh kém nét hơn.

10. Để ảnh in nét

Nhìn trên màn hình có thể bạn thấy ảnh trông đẹp và nét, nhưng khi in ra chất lượng có thể sẽ khác hẳn.

Nên nhớ, kích cỡ ảnh dự định in ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến độ nét của ảnh. Một bức ảnh cỡ 10 x 15 mm có thể trông sẽ rất nét, nhưng ở kích cỡ 20 x 30 mm sẽ bắt đầu lộ khuyết điểm, bởi lẽ khi bạn phóng to ảnh đồng nghĩa với bạn phóng to cả điểm lỗi. Thêm vào đó, trường ảnh trông sẽ nét sâu hơn khi in ở kích thước nhỏ nhưng sẽ kém hơn khi phóng to.

Loại giấy in ảnh cũng có thể ảnh hưởng đến độ nét. Các giấy sần sẽ có độ nét khác với các giấy bóng. Một số phần mềm như Lightroom cho phép tối ưu hóa độ nét ảnh theo từng loại giấy sẽ in, vì thế nắm được yếu tố này bạn cũng có thể tạo ra những bức ảnh in có độ nét chất lượng cao hơn.

Thứ Tư, 04/11/2009 13:09
51 👨 2.752
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp