DSLR bán chuyên lên bàn cân

Đại diện cho dòng này gồm Canon EOS 50D, Nikon D90 và Sony Alpha A500.

Ba máy Canon EOS 50D, Nikon D90 và Sony Alpha A500. Ảnh: Ephotozine.

Nhắm tới đối tượng chuyên nghiệp hơn, Canon EOS 50D, Nikon D90 được định danh như mẫu thu gọn của các dòng cao cấp hoặc Full Frame của từng hãng. Ví dụ, D90 của Nikon có cùng cảm biến với D300 nhưng giới hạn chỉ 11 điểm nét, hay 50D của Canon cảm hứng từ anh cả full-frame 5D Mark II. Chỉ có Sony đang dần dấn bước vào thị trường chuyên nghiệp, mà phiên bản Alpha 500 lần này là ví dụ cụ thể.

Canon 50D
Sony Alpha 500.
Nikon D90.

Khi mới ra mắt, Nkon D90 đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực, bởi lúc bấy giờ, nó là phiên bản DSLR cao cấp đầu tiên có tính năng quay video độ phân giải cao. Nhưng dần dần, với việc video đang ngày càng phổ biến trong thế giới DSLR, lời bàn tán đã bắt đầu trầm xuống.

Canon chọn cách cải thiện tính năng cho 50D bằng cách nâng cấp ISO lên mức 12.800, hỗ trợ card CF định dạng UDMA dung lượng lớn và nâng cấp LCD lên tới 920.000 điểm ảnh.

Cả Nikon và Sony cùng sở hữu cảm biến 12 triệu điểm ảnh, trong khi Canon "hoành tránh" hơn với 15 triệu điểm ảnh, dù rằng với độ phân giải lớn cỡ này, khoảng cách 3 triệu điểm ảnh cũng không tạo nhiều khác biệt lắm.

Mặc dù là các phiên bản tiến dần tới dòng chuyên nghiệp, nhưng một đặc điểm chung ở ba model này là sự hiện diện của vòng xoay chỉnh các chế độ mặc định sẵn trong máy. Canon được tiếng là thiết kế và tính năng dễ sử dụng, phiên bản 50D tiếp tục phát huy với vòng xoay lớn, đa chức năng ở phía sau giúp truy cập menu hay chuyển các thông số khi chỉnh tay nhanh chóng và thuận tiện. Nikon vẫn với giao diện nhiều nút dù không tiện dụng bằng, nhưng cũng đã trở nên quen thuộc với người dùng. Do có thêm tính năng quay phim nên bên cạnh các nút chỉnh chế độ thông dụng, D90 còn có thêm nút chuyển giữa chế độ video và chụp ảnh. Sony cũng giống Nikon, thiết kế các chế độ chỉnh dựa trên nút bấm là chủ yếu. Do mới bước chân vào thị trường này, nên mặc dù giao diện có thể chưa quen thuộc, nhưng bù lại, A500 lại được trang bị màn hình xoay, khá hữu ích khi cần chụp ở tầm thấp hoặc macro.

Để kiểm tra khả năng xử lý, tất cả các máy ảnh trên đều được chụp trong nhiều điều kiện khác nhau. Ảnh so sánh đều được chụp ở cùng một cảnh tại một thời điểm, theo định dạng RAW/JPEG.

Phơi sáng

Theo Ephotozine, Sony Alpha A500 xử lý ánh sáng trong các điều kiện khác nhau khá tốt, tuy nhiên ảnh cho được vẫn có xu hướng hơi sáng hơn, kể cả khi đã để ở chế độ đo sáng vùng. Chi tiết vùng tối tốt, màu trắng hiển thị chuẩn, dù tông màu chung của ảnh hơi lạnh. Với những cảnh có ánh nắng trực tiếp, các đám mây trắng nếu nhỏ dễ bị cháy sáng, tuy nhiên, các chi tiết ở vùng tiền cảnh có ánh sáng nền vẫn được duy trì khá tốt.

Ảnh trên máy của Canon hơi tối, thiên ấm hơn, màu trắng có xu hướng hơi ngả vàng. Các vùng tối vẫn thể hiện chi tiết khá đầy đủ, nền trời với các đám mây hay nền đất vẫn rõ nét.

D90 của Nikon có vẻ xuất sắc nhất với chất hình đẹp, xử lý ánh sáng tốt, tông màu ấm áp mà vẫn duy trì được màu trắng khá thật. Trong thử nghiệm của Ephotozine, khi so sánh với hai đối thủ, Nikon xử lý thông số phơi sáng tốt hơn cả. Các chi tiết trên nền trời vẫn được duy trì tốt dù dưới ánh sáng mặt trời. Sony yếu thế nhất khi cho ảnh hơi lạnh, làm mất đi tông ấm áp của ánh nắng.

Ống kính

Canon 50D.
Sony Alpha A500.
Nikon D90.

Ống kit đi kèm của 50D là ống 17-85mm f/3.5 – 5.6. Ống có xu hướng hơi mờ nhẹ ở tiêu cự rộng nhất 17 mm ở độ mở f/3.5 và f/22 và bắt đầu cải thiện độ nét khi khép về f/11. Tại tiêu cự lớn nhất, hình ảnh sắc nét nhất đạt được khi kéo từ f/5.6 tới f/11 nhưng khi đến f/22 lại bất đầu mờ nhẹ dần. Vì thế, có vẻ như khẩu độ từ f/5.6 tới f/11 là hữu dụng nhất trên toàn dải tiêu cự khi sử dụng ống kính này. Là ống kit nên một số trường hợp vẫn còn hiện tượng quang sai màu, ở các cảnh có độ tương phản chênh lệch lớn, hiện tượng viền tím hoặc xanh vẫn hiện diện.

Nikon D90 kèm ống 18-105mm f/3.5 – 5.6 nên cũng gặp các vấn đề tương tự về ống kính kit. Ở tiêu cự rộng nhất, độ mở f/22 cũng bị mờ nhẹ so với f/11 hoặc f/3.5. Còn tại tiêu cự lớn nhất, độ nét cũng chỉ duy trì ở tầm f/11 và bắt đầu mờ nhẹ khi khép tới f/22. Các vấn đề về quang sai hay viền tím cũng không được khắc phục triệt để.

Sony lựa chọn dải tiêu cự ngắn hơn cho A500, với ống 18-55mm f/3.5 – 5.6. Các hình ảnh bị mờ ở tiêu cự rộng nhưng một điều đáng ngạc nhiên là ống này của Sony lại xử lý hình ảnh nét hơn khi ở độ mở lớn hơn. Chuyển dần về tiêu cự khoảng 35mm, độ nét được cải thiện đáng kể ở khoảng f/4.5 và bắt đầu mờ dần khi lên tới f/11. Ở khoảng tiêu cự 55mm độ nét giữa khẩu f/5.6 và f/11 không khác biệt nhiều, nhưng khép đến f/22 hình ảnh lại trở nên mờ. Tương tự như hai ống kính trên, hiện tượng viền tím được xử lý tốt ở các ảnh có độ tương phản thấp, nhưng với độ tương phản cao thì bắt đầu xuất hiện.

Về mặt ống kính, có thể nói, Sony đã xử lý rất tốt hình ảnh ở độ mở lớn với chất lượng sắc nét từ dải tiêu tự trung tới tele. Tuy nhiên, Canon và Nikon lại cho chất lượng đều hơn trên toàn dải. Mặc dù đều bị nhược điểm về độ mờ ở các cực tiêu cự, nhưng ống của Nikon D90 vẫn tỏ ra vượt trội, nhất là lại có vùng tiêu cự khá dài và hợp lý.

Lấy nét

Hệ thống lấy nét diểm của Canon dễ dùng nhất do chỉ việc bấm vào nút điểm nét ở góc phải máy rồi dùng bánh xe di chuyển qua các điểm nét, hay chọn toàn bộ điểm nét một cách nhanh chóng và dễ dàng. Ưu điểm dễ dùng của hệ thống này đã được Canon phát triển từ lâu và hiện vẫn tiếp tục được duy trì trên các dòng máy cao cấp của họ.

Sony cho phép chuyển đổi giữa các chế độ lấy nét một lần AF-S (single), lấy nét liên tục AF-C (continuous) và lấy nét toàn bộ AF-A (all). Người chụp có thể lựa chọn lấy nét theo điểm, theo trung tâm hay theo vùng. Ống này cũng đã được Sony thêm tính năng SAM (Smooth Autofocus Mode) bằng việc chuyển motor lấy nét ra ống kính để tăng tốc độ, nhưng thực tế hoạt động vẫn còn khá ồn.

Các chế độ lấy nét của Nikon cũng tương tự như Sony. Ở chế độ lấy nét tự động, người chụp có thể lựa chọn lấy nét điểm, vùng động, vùng tự động hoặc 3D-tracking. Chế độ lấy nét vùng động (Dynamic area) sẽ lấy nét vào đối tượng và nếu đối tượng chuyển động khỏi điểm nét, máy ảnh sẽ điều chỉnh bằng việc phân tích vùng xung quanh điểm đó. Chế độ này khác một chút với với chế độ 3D-tracking là sử dụng các điểm nét khác nhau để bám theo đối tượng khi đối tượng di chuyển trong khung hình.

Về mặt này, khó có thể đánh giá ưu khuyết của từng hệ thống bởi chúng đều hoạt động khá nhanh và cho độ chính xác cao. Tuy nhiên, vẫn phải nhận định Canon vượt lên với cơ cấu motor siêu thanh USM (Ultra Sonic Motor) tăng tốc lấy nét nhanh và êm ái hơn cả.

Màu sắc và độ nét

Canon 50D.Nikon D90.Sony Alpha A500.

Canon thể hiện dải màu khá tốt. Tông đỏ cũng như các tông thiên vàng và cam đều thể hiện khá ấm áp. Màu xanh chuẩn có vẻ hơi nhạt, màu lam hơi được kích lên thấy rõ. Chụp ảnh chân dung, các màu đều khá cân bằng, tông màu da ấm. Tuy nhiên, hình ảnh chưa thật sự sắc nét như mong đợi.

Màu sắc trên D90 được kích lên rõ rệt, đặc biệt các màu đỏ và vàng. Màu lục khá sáng và cân bằng, nhưng chưa đủ độ sâu như các máy Nikon vốn có. Màu lục cũng được kích lên thấy rõ. Với ảnh chân dung, Nikon cho tông màu da sáng, đậm, ấm nhưng hơi lóa. Các chi tiết nhỏ như tóc hay mắt khá sắc nét.

Sony cũng xử lý kích màu khá tinh tế. Các màu lục thể hiện tốt, tuy nhiên, cần thêm chút tông ấm. Tông màu da có vẻ cân bằng nhất so với hai máy trước, tuy nhiên, khi chụp chân dung trông lại hơi bị nhạt hơn. Được một điều ấn tượng là hình ảnh của A500 lại nét nhất so với cả Canon và Nikon.

Về màu sắc, có thể thấy Sony thiên về tông lạnh hơn trong khi Canon lại thiên về tông ấm. Nikon cho kết quả cân bằng hơn cả, nhất là về tông da người. Về độ sắc nét, Sony có ưu thế hơn hẳn, tuy nhiên, Nikon cũng đuổi theo sát nút về tiêu chí này.

Nhiễu

Canon EOS 50D có ISO từ 100-3200 và có thể mở rộng lên tới 12.800. Ở độ nhạy ISO thấp, hình ảnh mượt mà, thể hiện khá chi tiết ở tất cả các vùng. Nhiễu được xử lý khá tốt cho đến mức ISO 800 và bắt đầu tệ ở mức 1600. Lên đến mức cao nhất 3200 thì chất lượng ảnh đã bị suy giảm đáng kể và càng tồi tệ hơn khi ở mức mở rộng 12.800.

Nikon có ISO từ khoảng 200-3200 và có thể mở rộng thành 100-6400. Nhiễu trên D90 được kiểm soát tốt, hình ảnh chỉ hơi mờ khi ISO đạt 800. Lên đến ISO 3200 chất lượng ảnh mới bắt đầu suy giảm và tồi tệ hơn khi ở mức 6400. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng kể cả ở mức ISO này thì ảnh trông vẫn có thể chấp nhận được.

Sony không đưa ra chức năng mở rộng nhưng đặt dải ISO khá dài, từ 200-12.800 như trên những máy chuyên nghiệp thực thụ. Nhiễu được kiểm soát khá hoàn hảo nhờ chức năng chống nhiễu (một điểm lưu ý là chức năng này không tắt được trừ phi chụp ảnh RAW). Hình ảnh có vẻ hơi mờ dần khi ISO tăng cao nhưng không thành vấn đề ngay cả khi ISO lên tới 6400.

Cân bằng trắng

Trong điều kiện ánh sáng ban ngày, Nikon xử lý cân bằng trắng tốt, các màu lục trông mát mắt hơn. Ở chế độ đèn huỳnh quang, màu bị xử lý hơi nhiều và thiên về hướng sắc hồng, tuy nhiên, có thể chỉnh lại được trong menu. Chế độ ánh sáng ấm hơn như Tungsten màu sắc kiểm soát tốt, tuy nhiên, vẫn hơi rực.

Sony Alpha A500 tương tự như Nikon xử lý cần bằng màu tốt nhưng vẫn bị hơi thiên hồng khi ở chế độ huỳnh quang. Bù lại, ở chế độ Tungsten, Sony cân bằng màu tốt hơn. Có thể nói, ở tiêu chí này, Sony thể hiện cân bằng màu tốt hơn cả.

EOS 50D trong điều kiện ánh sáng ban ngày cũng xử lý tốt. Các tông màu lạnh trông ấm hơn. Tương tự, như hai máy ảnh trước, 50D cũng bị hiện tượng thiên hồng khi ở chế độ huỳnh quang. Chế độ Tungsten, các tông màu đã được xử lý để lạnh hơn nhưng vẫn chưa đủ giảm độ rực.

Đèn tích hợp

Đèn flash của Alpha A500 có GN 12 ở ISO 100, chế độ bù sáng +/- 2EV và đồng bộ đèn ở tốc độ 1/160 giây. EOS 50D có GN 13, thời gian hồi khoảng 3 giây và tốc độ đồng bộ ở 1/250 giây. Nikon có GN 12, bù sáng +/- 3EV và đồng bộ tốc độ 1/200 giây. Về tiêu chí này, đèn Canon ưu thế hơn cả với GN 13, trong khi đèn Nikon lợi thế với bù sáng rộng hơn.

Canon EOS 50D mặc dù là một phiên bản rất thân thiện nhưng lại mắc một số vấn đề xử lý ánh sáng trong các điều kiện khác nhau chưa hợp lý. Hình ảnh vẫn còn hơi mờ nhạt. ISO mặc dù được kiểm soát tốt nhưng so với Sony vẫn yếu thế hơn.

Ephotozine cho rằng, Sony xử lý ánh sáng chưa hợp lý, các đối tượng có ánh sáng hậu bị mất chi tiết, tông màu thiên hướng hơi quá lạnh trong các điều kiện sáng khác nhau. Bù lại nhiễu và cân bằng trắng lại khá hoàn hảo.

Nikon so với hai mẫu còn lại bị yếu thế về xử lý nhiễu nhưng bù lại màu sắc tái hiện chuẩn xác, nhiều tính năng tùy chỉnh và lại có ống kit dải zoom dài. Về độ sắc nét dù chưa bằng Sony nhưng Nikon cũng chỉ kém chút đỉnh không đáng kể. Theo trang Ephotozine, có thể nói trong nhóm so sánh lần này, Nikon D90 về tổng thể là phiên bản vượt trội hơn cả.

Canon EOS 50D kèm ống 17-85mm IS có giá chừng 1.300 USD. Nikon D90 và ống 18-105mm VRII chừng 1.600 USD, còn Sony Alpha A500 và ống 18-55 mm DT rẻ hơn hẳn, chỉ chừng 900 USD.

Thứ Năm, 26/11/2009 10:55
31 👨 520
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp