Canon sẽ không sản xuất máy ảnh Micro Four Thirds

Mặc dù rất ấn tượng với định dạng Micro Four Thirds, nhưng Canon sẽ không bước vào phân khúc này.

Theo tổng kết quý tài chính mới đây của Canon, đồng yên tăng giá khiến cho đây là quý thứ 5 liên tiếp doanh số bán hàng của bộ phận máy ảnh Canon bị giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản lượng bán hàng của bộ phận này giảm 8,3%, chỉ còn 2.545 triệu USD.

Canon EOS 500D có doanh số bán hàng ổn định. (Ảnh: Digitalcameras).

Theo nhà phân tích Hisashi Moriyama của hãng tài chính J.P. Morgan, tuy doanh số bán hàng giảm sút nhưng lợi nhuận kinh doanh của Canon vẫn tăng 5,5% lên 529 triệu USD nhờ vào việc tăng tỷ lệ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và những tác động tích cực của việc cắt giảm chi phí hoạt động. Mặc dù dự đoán đồng Yên sẽ tiếp tục tăng cao so với đô la Mỹ nhưng doanh số bán hàng và lợi nhuận kinh doanh cả năm sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Doanh số bán hàng các sản phẩm chủ chốt gồm các máy DSLR trung và cao cấp đang bắt đầu khởi sắc. Chỉ riêng trong phân khúc máy ảnh, các phiên bản EOS 500D và EOS 5D Mark II có doanh số bán hàng trong quý ngày một tăng cao và ổn định, bù lại cho doanh số máy ảnh compact không mấy tiến triển và khả quan.

Định dạng Micro Four Thirds sẽ không phải là phân khúc mà Canon quan tâm. (Ảnh: Photograph).

Nhà phân tích này cho biết dù rất ấn tượng với những định dạng mới như Micro Four Thirds nhưng ông cũng nhận định Canon sẽ không bước chân vào phân khúc này. Vị này cho biết, mặc dù đồng ý với con đường của Olympus và Panasonic về việc tung ra các mẫu máy ảnh sử dụng cảm biến nhỏ hơn DSLR để làm cho máy ảnh gọn nhẹ bớt cồng kềnh hơn, thu hút những đối tượng khách hàng trẻ trung năng động hơn nhưng các phiên bản này vẫn không thể là đối thủ của các dòng DSLR được. Tốc độ lấy nét cũng như độ nhạy của các phiên bản này chưa thể vượt qua được các mẫu DSLR trung và cao cấp và chắc chắn các mẫu này chưa thể trở thành lựa chọn cho các nhiếp ảnh gia bán chuyên hay chuyên nghiệp được.

Theo Hisashi Moriyama, phiên bản này không nên là một đối thủ cho các dòng DSLR mà cả Canon và Nikon hiện đang có thế mạnh, mà chỉ nên là một sân chơi thử nghiệm cho các hãng máy ảnh vốn thiên về các dòng máy du lịch như Samsung, Sony hay Panasonic. Các hãng đó vốn là các hãng điện tử tiêu dùng và không có bề dày phát triển công nghệ quang học hay thấu kính như Canon và Nikon, vì thế phân khúc này sẽ là thị trường mới cho các hãng này thay đổi hình dáng sản phẩm mới so với các kiểu dáng máy ảnh du lịch truyền thống trước đây. Bên cạnh đó, họ lại có thế mạnh riêng trong các lĩnh vực mới như khung ngắm điện tử, và đây sẽ là điểm để các hãng máy ảnh này chiếm lĩnh thêm thị phần.

Việc mở rộng thị phần máy ảnh của Sony không phải đơn giản. (Ảnh: Gizmograph)

Mặc dù Sony đang bắt đầu xâm chiếm thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng Hisashi Moriyama, cho rằng Canon có thể cũng không lấy làm lo lắng về động thái trên. Hiện tại, doanh số DSLR của Canon chừng 75 tỷ USD với lợi nhuận lên tới 21% trong khi mức lợi nhuận của Sony chưa đạt tới như vậy. Có hai phân khúc cho DSLR, sơ cấp và trung đến cao cấp. Phân khúc sơ cấp có giá bán chỉ từ 300 đến 500 USD trong khi phân khúc kia có giá từ 1.000 đến 1.500 USD vì thế chênh lệch lợi nhuận sẽ khá lớn, mà cả Canon và Nikon lại đang giữ những vị thế chủ chốt trên phân khúc này. Mặc dù Sony đã mua Konica Minolta nhưng việc mở rộng thị phần của họ không phải dễ dàng gì. Tuy nhiên, theo Hisahi Moriyama, vẫn còn rất nhiều chỗ trên thị trường cho các hãng này phát triển các sản phẩm với giá thành và tốc độ hoạt động hợp lý hơn.

Thứ Ba, 03/11/2009 14:39
31 👨 172
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp