Android M có gì đáng mong đợi?

Một trong những tâm điểm của sự kiện Google I/O diễn ra vào tuần này đó là Android M - phiên bản kế tiếp của hệ điều hành di động đang được nhiều người sử dụng nhất thế giới. Vậy chúng ta có thể kỳ vọng gì ở bản cập nhật mới này?

Một số thông tin về Android M sẽ được ra mắt tại Google I/O 2015

Hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt hơn, tăng cường tính bảo mật, Android Pay là những thứ nhiều khả năng sẽ có trong Android M. Chúng ta cũng có thể kỳ vọng những động thái mới từ Google để giúp cải thiện app dành cho tablet cũng như đẩy nhanh hơn nữa tốc độ cập nhật OS.

Nội dung

Nội dung chính trong bài

Doanh nghiệp, bảo mật

Tính đến thời điểm hiện tại hầu hết những thông tin về Android M mà chúng ta biết được đều thông qua một dòng mô tả ngắn cho một bài thuyết trình nói về Android for M. Trong đó, Google ghi rằng "Android M sẽ mang sức mạnh của Android đến với mọi loại môi trường làm việc". Dựa vào đây, chúng ta có thể thấy rằng Android M sẽ sở hữu nhiều tính năng cũng như tiện ích được tối ưu cho việc sử dụng trong các doanh nghiệp chứ không chỉ cho người tiêu dùng bình thường. Đây cũng là một động thái hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh Apple, BlackBerry cũng như Samsung đang ngày càng tiến sâu hơn vào thị trường đầy tiềm năng này với đủ mọi loại giải pháp của riêng họ.

Android M sẽ sở hữu nhiều tính năng cũng như tiện ích được tối ưu cho việc sử dụng trong các doanh nghiệp

Cũng cần nói thêm rằng hiện tại có một xu hướng gọi là BYOD (bring your own device), tức là khi đi làm thì nhân viên sẽ cầm theo thiết bị di động hoặc máy tính của mình để làm việc chứ không còn bị ép phải xài PC hay smartphone do công ty cấp nữa. Xu hướng này có thể giúp tăng hiệu quả làm việc, giảm chi phí đầu tư cho công ty, nhưng lại tăng rủi ro về mặt an toàn thông tin. Với Android M, có thể Google sẽ tích hợp một số chức năng cũng như hệ thống nào đó để giúp việc quản lý các thiết bị BYOD trong doanh nghiệp trở nên dễ dàng và an toàn hơn. Nó cũng là cách mà Google kiếm thêm được tiền từ nhóm khách hàng này.

Cũng có thông tin là Android M sẽ hỗ trợ nhận diện vân tay từ trong hệ thống, các hãng sản xuất bên thứ ba không cần làm phần mềm riêng để dùng với tính năng này nữa. Google còn được cho là sẽ hỗ trợ việc tắt bật permission của từng app sau khi đã cài vào nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư.

Đồng bộ thông báo giữa nhiều thiết bị Android

Hiện nay nếu bạn sở hữu từ 2 máy Android trở lên thì bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi mà một thông báo đã xem trên thiết bị này thì vẫn còn xuất hiện trên thiết bị kia, thế là bạn xóa bỏ chúng đi một cách thủ công, trừ khi đó là các app của Google như Gmail, Google+, Calendar. Có tin đồn rằng tình trạng này sẽ không còn tiếp diễn trên Android M nữa vì Google sẽ giới thiệu tính năng "notification sync" để đồng bộ hệ thống thông báo giữa các máy với nhau ngay cả khi thông báo đó xuất phát từ một app bên thứ ba.

Android Pay xuất hiện

Android Pay là giải pháp thanh toán di động đang được Google ấp ủ. Hãng đã tiết lộ nó lần đầu tiên hồi tháng 3 nhưng tới nay vẫn chưa thấy triển khai ra thị trường. Nhiều khả năng Google đang chờ đến khi Android M ra mắt thì tích hợp luôn Android Pay vào trong đó, tương tự như giải pháp Google Wallet thời Android 2.3 vậy. Có một điều mà chúng ta biết chắc đó là Android Pay sẽ đối đầu trực tiếp với Apple Pay cũng như Samsung Pay để thúc đẩy cả ngành thanh toán mobile phát triển nhanh hơn trong tương lai.

Giải pháp thanh toán di động Android Pay

Được giới thiệu tại triển lãm MWC 2015, Android Pay về cơ bản là một bộ khung (framework) cho phép các lập trình viên bên thứ ba sử dụng để phát triển app cho riêng mình. Đây chính là điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của Android Pay, trong khi đó Samsung Pay và Apple Pay lại hai dịch vụ độc lập. Sundar Pichai, phó chủ tịch cấp cao chịu trách nhiệm Android, Chrome và Google Apps, phát biểu như sau: "Chúng tôi làm nó theo cách mà ai cũng có thể xây dựng một dịch vụ thanh toán bên trên Android... Ở những nơi như Trung Quốc hay Châu Phi, chúng tôi hi vọng mọi người sẽ dùng Android Pay để xây dựng nên những dịch vụ sáng tạo".

Nói cách khác, với Android Pay, Google hi vọng rằng hãng có thể thu hút các bên thứ ba cùng tham gia xây dựng những giải pháp thanh toán di động tốt hơn và phong phú hơn. Đây là một cách thức đậm "chất" Google. Vì sao? Bạn hãy nhìn vào Android mà xem, Google cũng chỉ cung cấp nền tảng cơ bản mà thôi, còn phần cứng là do các hãng khác sản xuất cơ mà.

Android không chỉ dành cho điện thoại, tablet

Với xu hướng hiện nay, chúng ta có thể kỳ vọng rằng tại Google I/O 2015, Google không chỉ nói đến Android trên smarphone, tablet mà còn trên cả đồng hồ (Android Wear), xe hơi (Android Auto) cũng như TV (Android TV). Không loại trừ khả năng một vài thiết bị mới chạy các biến thể Android này sẽ được ra mắt trong khuôn khổ hội nghị diễn ra vào tuần sau.

Android Auto

Riêng với Android Wear, đây là thời điểm quan trọng cần đến những tính năng mới cũng như mở rộng hệ sinh thái smartwatch chạy Android bởi vì Google đang phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Apple Watch. Hãng cần phải làm cho Wear trở nên hấp dẫn hơn nữa thì mới đủ sức kéo thêm các hãng phần cứng cùng tham gia cuộc chiến chống lại Apple.

Cải thiện trải nghiệm app dành cho tablet

Bản thân Android thì hoạt động khá tốt trên màn hình lớn của tablet, nhưng các app bên thứ ba thì không. Hầu hết những ứng dụng do bên thứ ba cung cấp đều chỉ là app điện thoại được phóng lớn ra, do đó nó không thể tận dụng được hết diện tích màn hình rộng rãi để hiển thị nhiều nội dung. So với iPad, rõ ràng số lượng app Android tối ưu cho tablet rất khiêm tốn, và điều đó gây ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ máy tính bảng chạy hệ điều hành của Google.

Với Android M, chúng ta có thể kỳ vọng Google đưa ra những giải pháp nào đó để phần nào giảm bớt tình trạng này, chẳng hạn như chế độ đa nhiệm chia màn hình được tích hợp sẵn vào hệ thống, khả năng chạy ở dạng cửa sổ, hay các chính sách hấp dẫn hơn nữa để lập trình viên chịu làm app cho tablet.

Cải thiện trải nghiệm app dành cho tablet

Tối ưu app cho người khuyết tật

Ở Google I/O năm nay, Google có tổ chức một phiên nói chuyện để hướng dẫn lập trình viên viết app của mình để có thể được sử dụng bởi mọi người, bao gồm luôn cả những người khuyết tật. Ứng dụng lúc đó sẽ cần đến một số thành phần đặc biệt để tích hợp tốt hơn với khả năng đọc màn hình có sẵn trong Android, cũng như tuân thủ các chỉ dẫn về kích thước, bố cục, màu sắc... để đảm bảo rằng ai cũng có thể xài được app một cách dễ nhất có thể.

Đẩy nhanh hơn nữa tốc độ cập nhật

Trong Android 5.0, Google đã giới thiệu nhiều thành phần giúp nhà sản xuất phần cứng có thể cập nhật nhanh hơn. Nhưng trong bối cảnh bản Lollipop vẫn chỉ mới chiếm 9,7% trong tổng số các thiết bị Android có truy cập vào Google Play, đây là một kết quả rất đáng thất vọng. Hiện vẫn còn đến hơn 39,38% người dùng đang phải xài KitKat, tức là một bản Android cũ từ năm 2013 rồi. Google cần phải làm tốt hơn nữa để việc update không còn là nỗi bực dọc của người dùng.

Thực chất thì với Android Wear, Android Auto và Android TV, Google đã hạn chế khả năng tùy biến của nhà sản xuất xuống thấp nhất có thể để giữ cho tiến độ cập nhật được nhanh chóng. Điều này đã phần nào cho thấy kết quả khả năng khi mà các bản update cho những biến thể Android này được phát hành rất nhanh chóng, và sự chênh lệch giữa thiết bị của hãng này với hãng khác chỉ khoảng vài ngày mà thôi.

Chính vì thế, chúng ta cũng có thể kỳ vọng rằng Android M sẽ đi theo cách thức tương tự, trong đó Google nắm giữ phần cốt lõi và sẽ cập nhật nó trong thời gian ngắn không quan trọng thiết bị do ai sản xuất. Còn nhà sản xuất thì sẽ cập nhật riêng các phần tùy biến hay các phần mềm của họ, không dính dáng gì đến Google nữa. Microsoft đã áp dụng "chiêu thức" gần giống như thế này và đã thành công, với việc cập nhật Windows Phone riêng trong thời gian ngắn còn Nokia, HTC, Samsung thì cập nhật các bản bổ sung riêng.

Tên gọi, ngày ra mắt?

Android M cũng chỉ là tên mã, và chữ M đó là gì? Google có truyền thống đặt tên Android theo các món bánh và đồ ăn ngọt, chẳng hạn như Android 5.0 Lollipop là kẹo mút, 4.4 KitKat là bánh KitKat, 4.3 Jelly Bean là một món kẻo dẻo, hay Android 4.0 Ice Cream Sandwich là bánh kẹp kem. Với M, có thể đó sẽ là Marshmallow (một loại kẻo dẻo), Macaron (món bánh tròn nhỏ của Pháp), Muffin (một loại bánh gần giống bánh bông lan), hay M&M (chocolate)? Dù gì đi nữa thì chắc chắn đây sẽ là một món ăn ngon, vì các kĩ sư làm việc trong nhóm Android đã từng thừa nhận rằng họ rất thích ăn bánh! Chưa kể đến con số phía sau. Nó sẽ là 5.2 hay 6.0? Hãy chờ xem sao.

Hình minh họa thôi, chứ không chắc M là Marshmallow nhé​
Hình minh họa thôi, chứ không chắc M là Marshmallow nhé​

Về ngày ra mắt, có khả năng chúng ta sẽ được dùng thử bản Android M Preview ngay sau khi Google I/O kết thúc (anh em nào đang xài Nexus chuẩn bị sẵn máy để cài nhé), còn thời điểm ra mắt chính thức thì có lẽ phải đợi đến tháng 9 hoặc tháng 10 như truyền thống nhiều năm về trước.

Thứ Ba, 26/05/2015 08:00
31 👨 142
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp