Tập đoàn LINUX

Linus Torvalds từng đứng đầu nhóm những kẻ nghiền lập trình khốn khổ. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Bài viết này tập trung vào câu trả lời tại sao mô hình kinh doanh Linux lại đang ngày càng đe dọa Microsoft.

Năm năm trước, Linus Torvalds phải đối mặt với một sự biến đổi lớn. Người đàn ông Phần Lan này đã đi đầu trong việc dựng nên một hệ thống điều hành cho máy tính có tên gọi Linux với sự giúp đỡ của hàng ngàn lập trình viên tình nguyện, và phần mềm mã nguồn mở này đã trở nên vô cùng thông dụng cho việc điều hành một Website trong sự bùng nổ của thời đại ‘dot-com’. Tuy nhiên, vào thời điểm Linux bắt đầu cất cánh, một vài lập trình viên lại có suy nghĩ khác. Những người này cảnh báo rằng lập trường kiên định của Torvalds trong việc tự mình duyệt mọi đoạn mã trong phần mềm đang tạo ra một sự bế tắc. Trừ phi ông thay đổi quan điểm của mình, nếu không họ sẽ tạo ra một gói phần mềm khác - một mối đe dọa có thể làm Linux rơi vào khủng hoảng.

Cuộc đối đầu lên tới đỉnh điểm và cuối cùng, dưới sức ép của các lập trình viên, Torvalds đã phải nhượng bộ. Ông đã đồng ý thay đổi theo hướng tăng sự uỷ quyền và sử dụng phần mềm để tự động hoá một số công việc tạo mã. Khi phần mềm được chính thức sử dụng vào năm 2002, Torvalds đã có thể thực hiện công việc của mình nhanh gấp năm lần trước đó.

Sự thoả hiệp này chỉ là một trong những thay đổi quan trọng trong cách thức mà Linux được tạo ra và phân phối trong vòng vài năm qua.

Biến đổi theo hướng chuyên nghiệp

Ngày nay, câu chuyện trên đây chỉ hoàn toàn mang tính lịch sử. Từ một nhóm ít được thế giới bên ngoài biết tới, vài năm trở lại đây, cộng đồng các lập trình viên Linux đã trở nên phát triển, được tổ chức tốt và hiệu quả hơn nhiều. Có thể nói rằng Linux đã trở nên chuyên nghiệp. Torvalds giờ đây đã có một đội ngũ chuyên gia, đa phần trong số họ được các công ty công nghệ trọng dụng cho việc giám sát phát triển các dự án có mức độ ưu tiên hàng đầu. Các tập đoàn khổng lồ như IBM, HP và Intel đang ủng hộ Torvalds với sự tập trung công nghệ, các cơ chế marketing hiệu quả và hàng ngàn lập trình viên chuyên nghiệp. Riêng IBM cũng đã có 600 lập trình viên dành riêng cho Linux so với con số vẻn vẹn hai người hồi năm 1999. Thậm chí tập đoàn này còn có một ban lãnh đạo được thành lập cho mục đích ưu tiên phát triển Linux.

Kết quả chính là một Linux mạnh hơn. Phần mềm này đang thâm nhập vào mọi lĩnh vực, từ điện thoại di động của Motorola và các robot của Mitsubishi cho tới các máy chủ của eBay và các siêu máy tính tại NASA được sử dụng cho việc nghiên cứu giả lập tàu vũ trụ. Sự lớn mạnh của Linux đang khuấy động ngành công nghiệp công nghệ, thách thức vị thế số một vốn thuộc về Microsoft và tạo ra một mô hình mới cho việc sáng tạo ra các phần mềm. Trên thực tế, sở thích một thời của Torvalds nay đã phát triển thành một Tập đoàn Linux (Linux Inc.). Ông Mark Blowers, một chuyên gia phân tích tại nhóm nghiên cứu thị trường Butler Group, đánh giá: “Mọi người đã từng nghĩ rằng điều này sẽ không xảy ra. Có quá nhiều người và nhiều công ty khác nhau cùng quan tâm tới nó. Nhưng giờ đây, rõ ràng là Linux đã thành công”.

Không chỉ bởi Linux Inc. không hoạt động giống một tập đoàn truyền thống. Nó không có trụ sở chính, không quan chức điều hành và không có các báo cáo tài chính hàng năm. Và nó không chỉ là một công ty duy nhất. Thực tế, nó là một liên doanh với nhân công từ hàng chục công ty khác, cùng với hàng ngàn cá nhân ở khắp nơi, cùng chung sức để phát triển Linux. Các công ty đều có đóng góp vào việc phát triển thông qua việc trả lương cho các lập trình viên và sau đó thu tiền từ việc bán ra các sản phẩm và cung cấp các dịch vụ chạy trên nền hệ điều hành Linux. Họ không thu tiền trực tiếp từ bản thân Linux, bởi theo quy định hợp tác, Linux được cung cấp cho mọi người miễn phí.

Vậy làm cách nào các công ty thu được lời từ một phần mềm miễn phí? Có một vài cách thức khác nhau. Các nhà phân phối, trong đó có Red Hat và Novell, cung cấp Linux với các sách hướng dẫn hữu ích cho người dùng, các bản cập nhật thường xuyên, các dịch vụ khách hàng và thu khách hàng một khoản phí đăng ký hàng năm. Phí này giá trị từ 35 USD/năm (với các phiên bản Linux cơ bản dành cho máy để bàn) tới 1.500 USD (cho các phiên bản cao cấp của máy chủ). Red Hat, với khoảng 200 lập trình viên, đạt mức lợi nhuận 53 triệu USD trong năm tài chính 2004, tức là tăng gấp ba so với năm trước, trong khi doanh thu tăng 56%, đạt 195 triệu USD.

Thế nhưng, con số này lại trở nên nhỏ bé trước thành công của các nhà sản xuất máy tính PC và máy chủ có cài đặt sẵn hệ điều hành Linux. IBM, HP và nhiều nhà sản xuất khác làm giàu từ việc cung cấp các máy tính mà không yêu cầu khách hàng phải trả tiền bản quyền hệ điều hành, mà nếu sử dụng các phiên bản Windows hoặc Unix, số tiền này có thể lên tới hàng ngàn USD. Với HP, sản lượng máy chủ chạy trên nền Linux bán ra đạt gần 3 tỷ USD trong năm ngoái, tăng gần gấp đôi so với ba năm trước đó.

Trong cộng đồng Linux, lợi thế này lại được tăng cường bởi triết lý chia sẻ theo bản chất mã nguồn mở. Dick Porter, một lập trình viên tự do thường làm công việc của mình dưới tán cây tao tại khu vườn của mình ở xứ Wales lại cùng chung một đội ngũ với Jim Stallings, một cựu lính thuỷ hiện đang làm việc cho IBM. Điểm chung giữa họ là niềm say mê trong việc sáng tạo ra một Linux đa năng hơn và hoàn thiện hơn. Kết quả là hình thành một dạng văn hoá hợp tác giữa những nhân tài nhưng đồng thời mang tính chất của học thuyết tiến hoá Darwin. Mọi công ty hoặc cá nhân đều được tự do tham gia vào Linux Inc., và những người có đóng góp nhiều nhất sẽ có được uy tín và vai trò xứng đáng nhất. James F. Moore, một chuyên gia cao cấp của Trung tâm Internet và Xã hội Berkman thuộc Trường Luật Harvard nhận xét: “Linux đã trở thành hệ sinh thái doanh nghiệp tự nhiên đầu tiên”.

Điểm tựa kỳ lạ

Để hiểu được hoạt động bên trong của Linux Inc., chúng ta hãy cùng tìm hiểu về “hệ sinh thái” tiến hoá nhanh này. Một điều rõ ràng là cộng đồng ủng hộ Linux đã lớn mạnh hơn người ta có thể hình dung. Mặc dù Torvalds vẫn ở vị trí trung tâm, anh cũng đã rút lui khỏi một số vai trò và chấp nhận nhiều sự giúp đỡ từ các lập trình viên độc lập và từ các tập đoàn công nghệ khổng lồ mà tương lai đã gắn chặt với Linux. Một bước tiến quan trọng là việc IBM, Intel và nhiều đại gia khác đồng ý hợp tác xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Phần mềm Nguồn mở (OSDL) như một tâm điểm cho việc thúc đẩy sự chấp nhận Linux.

Có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất là việc các vụ tấn công về mặt pháp lý nhằm vào Linux trong những năm qua đã góp phần làm cho cộng đồng này càng trở nên thống nhất. Vẫn còn những vấn đề nội bộ, chẳng hạn những người ủng hộ Linux sẽ vẫn không thể hài lòng khi các phiên bản khác nhau của phần mềm này không tương thích với nhau. Một vụ kiện của SCO Group - một công ty phần mềm yêu cầu IBM phải trả cho họ các quyền sở hữu trí tuệ về Linux - đã mang tới cho những người ủng hộ Linux động thái hợp tác hơn bao giờ hết. Các công ty công nghệ đang sẵn sàng mở hầu bao để trả cho khả năng hỗ trợ quản lý, bao gồm cả một đội ngũ về luật pháp để kiểm tra từng chi tiết mã nguồn đảm bảo rằng nó không vi phạm các vấn đề về đăng ký bản quyền. Thậm chí cả những người ủng hộ nhưng có quan điểm khác cũng tập hợp lại để bảo vệ Linux và tạm thời quên đi những yêu cầu của mình.
Với tất cả những điều đó, Linux đã trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ nhất mà Microsoft từng đối mặt. Các nhà nghiên cứu của IDC dự đoán rằng trong mảng thị trường về máy chủ, thị phần của Linux sẽ tăng từ 24% hiện tại lên 33% vào năm 2007, so với 59% của Windows. Đó là bởi vì, lần đầu tiên, Linux chấp nhận cuộc chiến với Windows với tư cách không chỉ là một giải pháp điều hành thay thế, và ép Microsoft phải sử dụng các con bài giảm giá để tránh bị giảm lượng bán ra. Trong một cuộc điều tra giữa các doanh nghiệp do Forrester Research tiến hành, 52% cho rằng họ đang thay thế các máy chủ Windows bằng Linux. Trong lĩnh vực máy để bàn, IDC cho rằng thị phần của Linux sẽ tăng lên gấp đôi, từ 3% hiện tại lên 6% vào năm 2007. IDC cũng dự đoán doanh thu các thiết bị sử dụng Linux sẽ có bước nhảy vọt từ 11 tỷ USD (năm 2004) lên 35,7 tỷ USD (năm 2008).

Phản ứng trước diễn biến này, Microsoft vừa phát động một chiến dịch chống lại cái mà họ coi là mối đe dọa số một. Tập đoàn khổng lồ về phần mềm này, với chiến dịch công khai “Giương cao sự thật”, tuyên bố rằng Windows bảo mật hơn và có giá thành dễ chấp nhận hơn khi sở hữu một phiên bản thực sự của Linux. Và Microsoft đã dành được một số thắng lợi nhất định. Chính quyền thành phố Paris hồi tháng 10 đã ra quyết định chống lại một sự chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng Linux với lý do chi phí cho việc này sẽ thực sự là một vấn đề. Khi mà các nhà phân phối Linux chú trọng vào việc định giá dựa trên dịch vụ đăng ký, Microsoft khẳng định rằng họ đã từng sử dụng chiến lược giá này để vượt qua các đối thủ cạnh tranh trước đây, trong đó có Tập đoàn Netscape Communications. Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer nói: “Đó giống như là một câu chuyện cũ đối với chúng tôi, và chúng tôi biết làm cách nào để cạnh tranh trong trường hợp tương tự”.

Tuy nhiên, ông Ballmer có thể gặp khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng rằng Windows rẻ hơn Linux. Không hẳn như vậy. Với Windows, người dùng cuối cùng sẽ phải trả một khoản tiền khác nhau từ hàng trăm USD cho một PC cho tới hàng ngàn USD cho một máy chủ, trong khi điều này không đúng với Linux. Trong ba năm, tổng chi phí với một máy chủ nhỏ dùng cho 30 người, bao gồm giá bản quyền, cước hỗ trợ và quyền cập nhật phiên bản, sẽ vào khoảng 3.500 USD khi dùng Windows, so với 2.400 USD khi bạn đăng ký Linux của Red Hat. Trường hợp Microsoft có lợi thế chỉ là khi một công ty đang sử dụng Windows. Khi đó, có thể giá sẽ giảm hơn khi cập nhật so với việc thay thế bằng một phiên bản của Linux bởi bạn có thể phải tính tới cả chi phí đào tạo mới với hệ điều hành này. Nhà phân tích George Weiss của Gartner cho rằng sản phẩm của Microsoft có thể được cân nhắc trong những trường hợp như vậy, tuy nhiên, “không có gì cho thấy Windows sẽ đem lại sự tiết kiệm trong chi phí sở hữu nói chung”.

Microsoft không hề ngần ngại dùng mọi nỗ lực để chiến thắng cuộc chiến này. Có nhiều thông tin cho rằng các quan chức Microsoft đã cảnh báo các công ty rằng họ đang phải đối mặt với những vấn đề về pháp lý khi sử dụng Linux. Một người phát ngôn của một công ty có quan chức điều hành từng có cuộc đàm phán với Ballmer cho biết Microsoft đang cân nhắc việc kiện các công ty đang sử dụng Linux và cho rằng điều này vi phạm đăng ký sáng chế của Microsoft.

Các tác động từ công chúng

Các công ty cạnh tranh nhau – trong đó có IBM và HP - đang chứng minh rằng họ có thể thu lợi từ việc sử dụng triết lý mã nguồn mở trong việc chia sẻ công việc. Bằng việc hợp tác tập trung vào hệ điều hành này, họ đã đạt được một nền tảng vững chắc để xây dựng các dự án công nghệ và tiết kiệm hàng triệu USD chi phí lập trình. Torvalds nói: “Nhiều phần mềm sẽ được phát triển theo cách này. Nó đặc biệt hiệu quả đối với các vấn đề liên quan tới hạ tầng có tác động tới tất cả mọi người. Về lâu dài, không gì có thể cạnh tranh với tư tưởng mã nguồn mở”.

Linux Inc. giờ đã trở nên mạnh mẽ và rõ ràng nó vẫn có thể tiếp tục phát triển bất chấp sự có mặt hay không của Torvalds. Hiện tại, cánh tay phải của Torvalds, Andrew Morton, đang chia sẻ trách nhiệm đứng đầu với ông và chịu trách nhiệm xuất hiện trước công chúng. Trong khoảng thời gian từ 1997 tới 2003, khi Torvalds làm việc tại nhà sản xuất chip Transmeta, việc nghiên cứu Linux không phải là công việc chính của ông, nhưng cũng chính trong thời gian này, thị phần của Linux trong dòng máy chủ tăng từ 6,8% lên 24%. Bên cạnh đó, Linux Inc. không phải là quân đội, các lập trình viên không ngồi yên chờ nghe lệnh. Cộng đồng Linux biết cách tiến hành các quá trình phát triển, và họ làm điều đó. Torvalds nói: “Tôi quản lý người, nhưng không phải theo nghĩa thông thường. Tôi không thể nói ‘Anh phải làm điều đó bởi vì đó là lương sẽ trả cho anh’. Chúng tôi biết chúng tôi muốn làm gì nhưng có thể không biết cách thực hiện. Chúng tôi phải cố gắng mọi cách. Đôi khi có ai đó bất đồng và họ tìm thấy một con đường. Họ ra đi và nghiên cứu hàng năm trời. Sau đó, họ quay trở lại và nói ‘Tôi sẽ chỉ cho các bạn rằng sẽ nhanh hơn nhiều nếu làm theo cách này’. Và đôi khi họ đúng”.

Sự kết hợp giữa các tác động từ cộng đồng và tác động mang tính thương mại đã có hiệu quả ngay từ những ngày đầu tiên của công nghiệp điện toán. Các chuyên gia và các nhà nghiên cứu chia sẻ các sáng kiến phần mềm của họ. Thế nhưng xuất hiện sự thay đổi vào những năm 1980 khi ngành công nghiệp bắt đầu định hình. Để phản ứng lại, lập trình viên Richard Stallman phát động phòng trào Phần mềm Miễn phí. Câu trả lời của ông là hệ điều hành GNU, được dựa trên Unix, do cộng đồng các lập trình viên chia sẻ với nhau. Chỉ riêng Torvalds đi theo một hướng riêng với một đoạn phần mềm có tên gọi “nhân”, là trung tâm điều khiển toàn bộ hệ thống điều hành và phối hợp với các thành phần khác, chẳng hạn một phần mềm ra lệnh cho máy in thực hiện lệnh in. Các lập trình viên gọi nhân đó là “Linux”, là sự kết hợp giữa Linus và Unix và Linux trở thành cái tên nổi tiếng. Torvalds quyết định lựa chọn biểu tượng cho Linux bằng một con chim cánh cụt thân thiện có tên gọi Tux - cái tên này bắt nguồn một phần từ chú chim cánh cụt nhỏ Fairy đã từng cắn ngón tay của Torvalds ở một vườn thú Australia.

Stallman hiện vẫn là một tín đồ với phần mềm miễn phí, nhưng tính cách lập dị và vẻ bề ngoài khác thường đã làm ông không phù hợp khi tham gia các đám đông lịch sự. Thậm chí Stallman còn không nói chuyện với Torvalds kể từ khi Torvalds quyết định sử dụng một phần mềm không thuộc loại nguồn mở để phát triển Linux. Stallman nói về Torvalds: “Nơi ông ta muốn đưa mọi người tới là một sai lầm. Đó không phải là hướng tới sự tự do”.

Torvalds được coi là người đứng đầu Linux. Vào năm 1991, Torvalds chỉ là một lập trình viên bình thường khi ông bắt tay vào viết phần mềm này để chạy trên PC. Tuy nhiên, sau đó, khi lần đầu tiên công bố mã nguồn Linux trên Internet cho mọi người tham gia, ông đã trở thành một chuyên gia tư vấn giải quyết các lỗi lập trình. Dần dần, ông đã phát triển được một tổ chức hỗ trợ bao gồm các tình nguyện viên.
Ban đầu là một tập hợp của những tài năng, Linux hiện nay vẫn hoạt động theo cơ chế như vậy. Trong một thế giới mà mọi người đều có thể có các đoạn mã được tung ra, chỉ những chuyên gia hạng A+ mới xứng đáng và chỉ những lập trình viên giỏi nhất mới trở thành các trợ lý của Torvalds. Ông giải thích: “Các cộng sự của tôi được chọn lựa, nhưng không phải do tôi”.

Một lý do làm cho Linux Inc. ít tương đồng với các công ty truyền thống khác là bởi Torvalds không có vẻ gì giống một người lãnh đạo. Ông ít khi xuất hiện trước công chúng và phần lớn để mọi người tự xác định các mức ưu tiên phát triển. Một khi mọi người đưa ra các cải tiến, ông dẫn dắt họ. Havoc Pennington, một nhà phân phối Linux cho Red Hat nói: “Linux có sức mạnh nhưng Torvalds không đạt sức mạnh đó bằng mệnh lệnh. Ông ấy có quyền lực bởi mọi người tin tưởng ông ấy. Một khi ông ấy đưa ra những quyết định đúng đắn, mọi người sẽ không rời xa ông”.

Bất chấp tính thụ động nào đó, Torvalds vẫn là một thủ lĩnh mạnh mẽ. Ông đứng trung lập một cách thận trọng, không bao giờ đứng về một phía công ty nào để chống lại một công ty khác. Ông chú trọng vào tiến trình phát triển mã nguồn mở. Khi đó, ông chỉ yêu cầu chất lượng cao trong công việc. Mọi việc phải được giải quyết tốt với khối lượng mã tối thiểu. Kết quả là Linux có ít lỗi mà tin tặc có thể khai thác. Đây là một lợi thế so với Windows khi hệ điều hành này trở thành một miếng bánh ngon cho tin tặc - đa phần bởi vì nó được sử dụng rộng rãi, nhưng một phần khác cũng vì nó có những khe hở mà Linux không có. Larry Augustin, một nhà đầu tư của Azure Capital Partners và một thành viên của OSDL nói: “Ông ấy thiết lập được một tầm nhìn thuyết phục và truyền cảm hứng cho mọi người đi theo. Đó là sự lãnh đạo bằng minh chứng, chứ không phải thông qua cường điệu”.

Thậm chí hiện nay, Torvalds thực hiện việc điều hành trên một thế giới ảo với email và website. Ông làm việc chủ yếu ở nhà tại vùng núi phủ cây xanh ở Oregon. Hàng sáng ông dậy sớm, thưởng thức một tách cafe đậm cùng vợ và sau đó ngồi hàng giờ bên máy tính để duyệt các đoạn mã và trả lời các bức email. Ông cũng không quên các cuốn sách ưa thích của mình, nhất là cuốn Bánh xe Thời gian. Vào buổi chiều, Torvalds đi dạo bằng xe đạp, dừng chân làm một chén trà trước khi về nhà và ngồi vào máy tính.

Mặc dù Torvalds vẫn gần gũi với các cộng sự tại OSDL, nhưng ít khi ông gặp mặt họ. Ông ít khi gặp Morton, một người úc sống ở Silicon Valley. Torvalds ví cộng đồng Linux là một mạng nhện khổng lồ, hay đúng hơn, là nhiều mạng nhện đan xen giới thiệu các dự án mã nguồn mở liên quan. Và văn phòng của ông ở “gần nơi mà các mạng nhện đó giao nhau”.

Vòng quay liên tục

Quá trình phát triển của Linux bắt đầu và kết thúc với các lập trình viên. Mặc dù vẫn còn một số tình nguyện viên cá nhân và các cơ quan chính phủ tham gia, tuy nhiên hơn 90% các đoạn mã do các nhân viên của các công ty công nghệ viết ra. Một số người viết ra các đoạn mã, một số người khác, được gọi các “bảo dưỡng viên”, có trách nhiệm hoàn thiện các đoạn mã ấy.

Đó là một vòng quay liên tục. Các cá nhân đưa ra các đoạn mã, các “bảo dưỡng viên” chỉnh sửa chúng. Sau đó, các đoạn mã được gửi tới Torvalds và Morton, những người có nhiệm vụ duyệt chúng, yêu cầu cải tiến và cuối cùng là nâng cấp “nhân”. Cứ hàng bốn tới sáu tuần, Torvalds công bố một phiên bản thử nghiệm dành cho hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới cùng nhận xét và tìm kiếm lỗi. Và Torvalds tung ra bản cập nhật tổng thể hàng ba năm một. Không giống như các công ty phần mềm truyền thống, không có giới hạn gì cho sự phát triển này. Nhân Linux sẽ hoàn thành khi Torvalds quyết định rằng nó đã hoàn thiện.

Linux Inc. là mô hình gồm các vòng tròn đồng tâm xung quanh Torvalds. Vòng trong cùng là OSDL. Các công ty công nghệ có liên quan tới Linux – trong đó có HP, IBM và Intel - đều có người tham gia ban giám đốc. Ban lãnh đạo này đưa ra các định hướng ưu tiên, chẳng hạn kế hoạch xây dựng một Linux tốt hơn cho các máy chủ trung tâm dữ liệu khổng lồ hoặc các dòng máy PC để bàn. Ngoài ra, ban lãnh đạo có trách nhiệm xây dựng một quỹ ngân sách 10 triệu USD để bảo vệ khách hàng trước những vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ có thể phát sinh.

Vòng tròn thứ hai là hàng chục các nhà phân phối Linux. Đi đầu bởi Red Hat và Novell, nhóm này bao gồm cả các công ty khu vực như Red Flag Software của Trung Quốc và MandrakeLinux ở châu Âu. Hàng năm, các công ty này chọn phiên bản nhân mới nhất và đóng gói cùng với trên 1.000 chương trình mã nguồn mở, bao gồm giao diện đồ hoạ người dùng GNOME, trình duyệt Firefox và bộ ứng dụng văn phòng OpenOffice. Các nhà phân phối chạy đua để trở thành người đầu tiên tung ra các bản nâng cấp, nhưng các kỹ sư của họ lại dành phần lớn thời gian cho các dự án mà họ phối hợp với người khác.

Trên thực tế, Linux Inc. đã nổi lên như một mô hình mới, một cách thức phối hợp mới theo cách tạo nên một hệ sinh thái trong phát triển phần mềm. Điểm mấu chốt nằm trong khẩu hiệu của cộng đồng mã nguồn mở: “Cho một ít, anh sẽ nhận lại nhiều”. Khi đã thành trào lưu, nó thực sự đang đe dọa sự thống trị của các công ty như Microsoft.

(Theo businessweek)

Thứ Hai, 04/07/2005 09:18
31 👨 333
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản