Những công cụ cản sóng điện thoại di động – Vũ khí chống lại tình báo công nghiệp và khủng bố

Trước khi tổng thống Bush đến thăm Anh, báo chí nước này đã bàn tán khá sôi nổi về các biện pháp an ninh sẽ được áp dụng để bảo vệ ông. Ngoài những câu chuyện chán ngắt như biện pháp cấm đường sẽ gây tắc nghẽn giao thông, các báo còn nêu lên một đề tài khá thú vị: liệu chính quyền Anh có ngăn sóng điện thoại di động dọc những tuyến đường mà ông Bush sẽ đi qua?

Nếu họ làm việc đó, họ sẽ chọn cách tắt mạng điện thoại di động trên những tuyến đường đó hay dùng thiết bị ngăn sóng di động trong một vùng giới hạn. Nhưng cuối cùng thì những chiếc điện thoại di động vẫn hoạt động bình thường.

Bỏ qua sự “nhiều chuyện” của báo giới Anh, câu chuyện trên cũng gợi cho chúng ta một vấn đề rất thực tế: lợi ích và tác hại của những công cụ cản sóng điện thoại di động - hiện đang được rao bán đầy trên Internet và rất có thể sẽ trở nên phổ biến như điện thoại di động; các cơ quan quản lý nhà nước liệu có nên cho phép sử dụng những công cụ đó.

Không phải tự nhiên báo chí Anh lại tưởng tượng ra biện pháp ngăn sóng điện thoại di động để bảo vệ tổng thống Bush: những kẻ khủng bố hoàn toàn có thể dùng điện thoại di động để kích nổ những quả bom từ xa nhiều cây số hay thậm chí ở tận nước khác. Bằng cách nối một chiếc điện thoại di động vào khối thuốc nổ rồi gọi đến số điện thoại đó, người ta có thể kích nổ một quả bom (tín hiệu điện kích hoạt chuông điện thoại di động sẽ đóng vai trò tín hiệu kích nổ).

Nguyên lý của việc cản sóng điện thoại di động rất đơn giản. Những chiếc điện thoại di động hoạt động bằng cách gửi các tín hiệu sóng điện từ có tần số trong khoảng từ 800 – 1900 Mhz (đối với Mỹ) hay 900 – 1800 Mhz (đối với châu Âu). Thiết bị cản sóng chỉ cần phát tín hiệu có cùng tần số đó và tín hiệu này sẽ làm nhiễu bất kỳ thiết bị nào đang truyền tín hiệu trong khoảng tần số đó. Và thế là màn hình của chiếc điện thoại di động nào không may nằm trong vùng đó sẽ báo cho người dùng rằng không có tín hiệu (“ngoài vùng phủ sóng”). Phần lớn người dùng không nhận ra rằng họ đang bị phá sóng mà chỉ bực mình vì cho rằng họ đang ở trong khu vực khó bắt tín hiệu.

Những người dùng bình thường có chút hiểu biết là có thể có được sự bảo vệ dành cho những quan chức cao cấp. Trên Internet rao bán khá nhiều thiết bị phá sóng với giá cả phải chăng, chẳng hạn như thiết bị phá sóng di động cầm tay SH066PL2A/B được ngụy trang giống như chiếc điện thoại di động thông thường, cho phép phá sóng trong vòng 9 mét được bán với giá khoảng 170 bảng Anh (
http://www.globalgadgetuk.com/Personal.htm). Chỉ cần đặt chiếc điện thoại rởm này lên bàn ăn khách sạn, các vị khách xung quanh bạn sẽ không thể hiểu tại sao điện thoại của họ bị mất sóng. Những ai muốn có kết quả ấn tượng hơn có thể tham khảo trang web http://www.suresafe.com.tw/showroom1.html để tìm thiết bị có thể phá sóng trong vòng bán kính 30 mét. Các tổ chức nhà nước thường dùng những thiết bị phá sóng công suất lớn để ngắt liên lạc di động trong những cuộc họp quan trọng, cô lập những kẻ khủng bố hay bắt cóc với bên ngoài. Các công ty có thể dùng chúng để ngăn chặn những mánh khóe đủ loại của tình báo công nghiệp. Những điệp viên thời hiện đại có thể sẽ mua những điện thoại di động có thiết kế đặc biệt để trả lời những cuộc gọi đến nhưng lại có vẻ đang tắt. Trong một cuộc họp quan trọng, cô nàng điệp viên sẽ giả vờ bỏ quên điện thoại di động trên bàn và ra ngoài đi vệ sinh. Từ bên ngoài, cô ta gọi vào chiếc điện thoại “để quên” trong phòng họp để nghe lén xem người khác nói gì trong lúc vắng mặt mình. Câu chuyện giả tưởng trên có vẻ quá xa vời nhưng mấy ai dám chắc nó sẽ không xảy ra. Sản phẩm Netline Cellular Activity Analyzer (http://www.netline.co.il/CAA.htm) với khả năng phát hiện những chiếc điện thoại di động ẩn trong phòng đã được quảng cáo thông qua câu chuyện trên. Việc lắp đặt những thiết bị cản sóng điện thoại di động cũng có tác dụng tương tự, đảm bảo bí mật trong văn phòng công ty hay ít nhất là trong những phòng họp nơi những diễn ra những cuộc đàm phán quan trọng.

Những có một trở ngại về mặt pháp lý đối với việc sử dụng những thiết bị cản sóng điện thoại di động, ít nhất là ở Mỹ. FCC nghiêm cấm mọi hành vi chủ động cản sóng điện thoại di động và đưa ra nhiều hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi đó (
http://wireless.fcc.gov/services/cellular/operations/blockingjamming.html). Nếu bạn bị phát hiện mang một chiếc SH066PL2A/B trong một nhà hàng Hoa Kỳ, bạn có thể bị phạt 11.000 USD và 1 năm tù giam. Điều đó là có thể nhưng rất ít khi xảy ra vì hình như FCC chưa bao giờ phạt bất kỳ ai về tội này mặc dù Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ nhiều thiết bị cản sóng di động nhất. Một nhà phân phối giấu tên cho biết họ đã bán được gần 300 thiết bị cản sóng điện thoại di động cho thị trường Mỹ trong một năm, cao hơn bất kỳ một nước nào khác trên thế giới. Nhà phân phối đó cho biết người mua bao gồm các nhà hàng, trường học (trong đó có một số trường đại học mua để ngăn sinh viên liên lạc ra ngoài trong giờ học hay khi làm bài thi) và cả những người dùng cá nhân.

Theo FCC, việc cản sóng điện thoại di động nên bị cấm vì các doanh nghiệp đã mua quyền sử dụng dải tần số đó và việc cản tín hiệu của họ giống như việc ăn trộm tài sản. Một số nước khác quy định ít chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như Pháp bỏ qua việc cản sóng di động trong các nhà hát còn Trung Quốc, Nga và Israel thì cho phép sử dụng những công nghệ đó hoặc rất lỏng lẻo trong việc thi hành.

Những người Mỹ muốn cản sóng di động một cách hợp pháp có thể sử dụng công nghệ cản sóng “thụ động”. Chẳng hạn như bọc văn phòng bằng một lớp chì để đảm bảo không tín hiệu nào có thể lọt ra ngoài. Nếu việc dùng chì quá phức tạp, họ có thể dùng những bức tường bằng “gỗ từ tính” để thay thế. Một nhà khoa học Nhật Bản tên là Hideo Oka đã sáng chế ra một thiết bị xây dựng mới chứa những mẩu hợp kim niken-kẽm bão hòa từ, có thể ngăn 97% các tín hiệu điện thoại di động. Ông ta hy vọng loại vật liệu này có thể có thị trường rộng lớn. Vì cản tín hiệu di động bằng cách này không cần phải phát sóng trên những tần số đã cho thuê nên nó có vẻ hợp pháp mặc dù Hiệp hội Internet và Truyền thông Di động (Cellular Telecommunications and Internet Association – viết tắt là CTIA) không tán thành bất kỳ hình thức cản sóng nào – dù là chủ động hay thụ động. Dù vậy, ít có khả năng sớm có quy định cấm cản sóng thụ động. Vấn đề là ở chỗ ngày nay điện thoại di động không chỉ dùng để nói chuyện. Với việc các hãng sản xuất càng ngày càng bổ sung thêm nhiều tính năng cho điện thoại di động, rất khó có thể cấm tất cả các hình thức gây nhiễu hay cản trở việc sử dụng điện thoại di động. Chỉ riêng việc tích hợp máy ảnh vào điện thoại di động cũng đặt ra rất nhiều vấn đề trong việc chống tình báo công nghiệp. Công ty Iceberg Systems đang thử nghiệm một công nghệ mới cho phép tắt máy ảnh của các loại điện thoại di động từ xa (
http://news.com.com/2100-1009-5074852.html). Gần đây nhất, trên thị trường còn xuất hiện loại sơn DefendAir chứa nhôm/đồng của công ty Tiny Force Field Wireless có khả năng phản xạ mọi tín hiệu trong khoảng 100 MHz - 5 GHz để "nhốt" cả tín hiệu của các mạng không dây. Với lý do bảo mật, công ty này đang thu hút sự chú ý của bộ An ninh nội địa Mỹ (Department of Homeland Security). Force Field thậm chí còn nói rằng các quốc gia ở Trung Đông đang liên hệ mua nhưng họ sẽ không bán cho những khách hàng đó.

Trong khi tính hợp pháp của công nghệ vẫn còn đang tranh cãi thì nhu cầu về những thiết bị cản sóng điện thoại di động rất có thể sẽ tăng nhanh trong một thời gian ngắn vì các nhà phân tích đã dự đoán rằng trong 5 năm tới sẽ có tới 1 tỷ điện thoại động trên toàn thế giới. Chúng ta rất có thể sẽ sống trong một xã hội tràn ngập thiết bị theo dõi và chống theo dõi, trong đó bất kỳ ai cũng có thể ghi lại bất cứ điều gì và gửi những âm thanh - hình ảnh thu được lên Internet cho mọi đôi tai – đôi mắt hiếu kỳ nên sự xuất hiện của những công cụ cản sóng di động (và các loại sóng radio khác) sẽ rất hữu dụng; việc ai sẽ được sử dụng chúng và với mức độ nào còn để ngỏ cho các nhà làm luật.

Đỗ Thanh Xuân
Trung tâm công nghệ thông tin, Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Tổng hợp từ MSN, InformationWeek)

Thứ Ba, 16/08/2005 09:13
3,84 👨 22.333
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản