Nga yêu cầu Apple giao mã nguồn để điều tra

Trong một cuộc điều tra về hành vi gián điệp, Nga đã yêu cầu Apple và tập đoàn phần mềm SAP nộp mã nguồn cho các cơ quan chính phủ có thẩm quyền để chứng minh rằng sản phẩm của họ không vi phạm.

Lời yêu cầu này được đưa ra bởi Bộ trưởng Truyền thông Nga Nikolai Nikiforov. Ông đã gặp Tổng giám đốc của Apple tại Nga và cả Giám đốc điều hành của SAP. Lý do là bởi Bộ tỏ ra lo ngại về tình hình bảo mật, quyền riêng tư của người tiêu dùng và bảo vệ dữ liệu của người dùng doanh nghiệp, vốn đã được nêu lên trong một tuyên bố gần đây của Bộ Truyền thông Nga.

Ông Nikiforov cho biết: "Hiển nhiên, những công ty cung cấp mã nguồn các chương trình của họ thì không giấu diếm gì cả, nhưng những công ty không có ý định hợp tác với Nga về vấn đề này có thể đang che giấu chức năng gì đó trong sản phẩm của họ".

Nga yêu cầu Apple giao mã nguồn để điều tra

Hãng tin Reuters cho biết yêu cầu này có thể là lời đáp lại các hành động trừng phạt mà Mỹ và EU áp dụng với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trước đó, Mỹ đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt mới, bao gồm cấm cửa 3 ngân hàng của Nga, bao gồm cả VTB, ngân hàng lớn thứ 2 nước này. Trong khi đó, EU cũng đồng ý đánh vào lĩnh vực kinh tế của Nga, khiến tình hình giữa phương Tây và Nga trở nên căng thẳng nhất kể từ sau cuộc Chiến tranh lạnh.

Tuy nhiên, ông Nikiforov cho biết chính những tiết lộ động trời gần đây về tình báo Mỹ của Edward Snowden đã khiến Nga hoài nghi về tính bảo mật của phần mềm và máy móc nước ngoài. Để làm rõ phát biểu trên, ông đã dẫn trường hợp của Microsoft. Gã khổng lồ phần mềm của Mỹ đã cung cấp mã nguồn hệ điều hành Windows và các sản phẩm khác từ năm 2003 với Atlas, một tổ chức công nghệ có nhiệm vụ báo cáo với Bộ Truyền thông Nga.

Đối với 2 công ty công nghệ mạnh nhất của Mỹ và châu Âu, mã nguồn là một trong những bí mật kinh doanh nhạy cảm nhất. Apple là công ty có giá trị nhất trên thế giới hiện nay và nổi tiếng nhờ những thiết bị di động, máy tính chạy trên phần mềm bản quyền được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Trong khi đó, SAP là hãng phần mềm lớn thứ 4 thế giới và là công ty công nghệ lớn nhất của Đức, cung cấp các công cụ quản lý tài chính cho các công ty hàng đầu. Tất nhiên, SAP cũng rất thận trọng với mã nguồn của mình.

Hiện tại, cả Apple và SAP đều chưa đưa ra bình luận nào. Tuy nhiên, chắc chắn cả 2 công ty đều không cảm thấy hài lòng với yêu cầu này với những lo sợ rằng họ sẽ mất quyền kiểm soát với mã nguồn độc quyền của mình. Nếu không chấp hành "mệnh lệnh" của Nga, sản phẩm của Apple và SAP có thể sẽ không được phép sử dụng trong các cơ quan chính phủ.

Thứ Năm, 31/07/2014 14:32
31 👨 156
0 Bình luận
Sắp xếp theo