Mục tiêu thương mại điện tử 2011-2015 lạc hậu

Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 của Bộ Công thương đưa ra nhiều mục tiêu bị cho là lỗi thời, thậm chí “lạc đề”.

Bộ Công thương vừa đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015. Trong khi không thể đặt mục tiêu quy mô mua bán trực tuyến sẽ đạt mức tăng trưởng như thế nào thì bản dự thảo lại đưa ra nhiều mục tiêu bị cho là “lạc đề” hoặc đã lỗi thời so với thực tế.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) giải thích do thông tin về mua bán điện tử chưa đầy đủ nên dự thảo Kế hoạch không đưa ra mục tiêu này.

Theo nhiều ý kiến, nhiều mục tiêu dự thảo đặt ra đối với các doanh nghiệp lớn là không cần thiết vì thực tế đã đạt rồi. Chẳng hạn, đến năm 2015, 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp sử dụng thường xuyên thư điện tử trong các giao dịch liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, có những mục tiêu lại “lạc” sang chính phủ điện tử. Dự thảo Kế hoạch đề ra mục tiêu cung cấp các dịch vụ công trực tuyến như hải quan, thuế, đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư… theo từng giai đoạn cho đến năm 2015. Những mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến này trùng với kế hoạch của các bộ, ngành hữu quan. Ví dụ, dự thảo Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011-2015 do Bộ TT&TT soạn thảo đang lấy ý kiến trên website cũng đã đưa ra các mục tiêu về cung cấp dịch vụ công như cấp phép đầu tư, cấp phép kinh doanh.

Không chỉ “lạc” sang chính phủ điện tử, dự thảo Kế hoạch phát triển thương mại điện tử của Bộ Công thương còn “lạc” sang cả việc ứng dụng CNTT của nội bộ doanh nghiệp. Trong dự thảo Kế hoạch, Bộ Công thương đề ra mục tiêu ứng dụng CNTT của doanh nghiệp đến 2015: 20% doanh nghiệp lớn ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý như phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM), quản lý chuỗi cung ứng (SCM), hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP).

Ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng nên bám sát mục tiêu và phạm vi thương mại điện tử là việc kinh doanh, mua bán có sự hỗ trợ của phương thức điện tử. Còn các thủ tục điện tử như thuế, hải quan, xin giấy phép, … là thuộc phạm vi chính phủ điện tử.

Cũng theo ông Lợi, hiện các doanh nghiệp có website chủ yếu là để xây dựng hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp. Số lượng các “website” thương mại điện tử (B2C) của riêng doanh nghiệp rất nhỏ. Hiện nay trên mạng Internet nội địa B2C phần lớn là các trang rao vặt. Kế hoạch tổng thể nên đề cập một định hướng rõ ràng hơn về phát triển thương mại điện tử B2C.

Bên cạnh đó, dự thảo Kế hoạch hoạch tổng thể thương mại điện tử đưa ra một số mục tiêu khá tham vọng nhưng chung chung như hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử lớn có uy tín trong nước và khu vực; Nhiều hộ gia đình ở các thành phố có thể sử dụng phương tiện điện tử để thanh toán các dịch vụ như điện, nước, điện thoại, tivi, Internet.

Thứ Ba, 20/04/2010 07:14
41 👨 861
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp