Mua hàng qua mạng ở xứ người

Năm mới là thời điểm tuyệt vời để bạn và người thân thực hiện việc mua sắm. Hiện nay, mua sắm qua mạng đang rất phổ biến, nhất là tại các nước châu Âu và châu Mỹ. Có thể nói "shopping online" đang dần trở thành một phần nếp sống của người dân các nước phát triển.

Đa dạng cách bán, mua

Cuộc khảo sát mới nhất của nhà cung cấp giải pháp mua bán trên mạng TradeDoubler cho biết 56% tổng số dân Châu Âu đang và dự định sẽ mua sắm trên mạng vào kỳ Giáng Sinh và năm mới này.

Một trong những website mua bán qua mạng được biết đến nhiều ở châu Âu và châu Mỹ là amazon.com. Website này chuyên mua bán các loại sách, băng, đĩa, các loại hàng điện tử, đồ chơi và vật dụng gia đình. Amazon có mặt ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc... Giá hàng hóa trên Amazon.com phần lớn được giảm từ 20% đến 70% so với giá bên ngoài. Amazon còn là một trong những mạng thu hút không chỉ khách mua hàng mà cả người bán lại các vật dụng đã sử dụng (hàng second-hand).

Tuy nhiên, Amazon chỉ là một thị trường online rất nhỏ so với eBay - một trong những website mua bán phổ biến và thông dụng nhất hiện nay. Không như Amazon, eBay hầu như chỉ bán lẻ từ những người bán (seller) riêng biệt. Người tiêu dùng có thể tìm thấy trên eBay mọi loại mặt hàng mới, cũ, từ quần áo, mỹ phẩm, đồ điện tử, băng đĩa, sách, đến đồ chơi trẻ em, vật gia dụng... Hơn thế, eBay lôi cuốn khách hàng bằng cách bán đấu giá. Trong quá trình đấu giá (thường từ 7 đến 10 ngày cho một món hàng), bạn sẽ luôn được eBay gửi e-mail cho biết giá hàng đã vượt quá mức giá bạn đặt để bạn có thể nâng mức giá của mình cao hơn, và bạn cũng sẽ được báo khi "thắng" hoặc "thua" trong việc mua một món hàng nào đó. Tùy theo số người đấu giá/sản phẩm mà người thắng có thể mua sản phẩm với giá cực rẻ hoặc khá đắt so với giá bên ngoài. Tuy nhiên, một số hàng hóa trên eBay vẫn được bán với hình thức thông thường: mua ngay mà không phải đấu giá và được gọi là "Buy it now". Với cách mua này, khách hàng trả theo giá mà người bán đặt ra cho sản phẩm (phần lớn là đắt hơn so với đấu giá). Bằng những cách mua bán cạnh tranh thú vị như vậy, eBay đã thu hút hàng triệu người tiêu dùng trên thế giới. Để mua sắm trên Amazon hay eBay, bạn cần phải có thẻ tín dụng (Mastercard, Visa card, hay Debit card) và mở một tài khoản (account) trên các trang web này với đầy đủ thông tin như họ tên, ngày sinh, địa chỉ nhà, thông tin thẻ tín dụng của bạn và một mật mã để bạn có thể sử dụng và bảo vệ account của riêng mình.

Ngoài Amazon và eBay còn có rất nhiều trang web buôn bán các loại hàng hóa khác nhau đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ ASOS.com chuyên bán quần áo thời trang cùng với mỹ phẩm, đồ trang sức và giày được thiết kế theo kiểu mẫu của các ngôi sao điện ảnh và ca nhạc nổi tiếng. Trụ sở chính tại Anh nhưng ASOS nhận chuyển hàng đến rất nhiều nước trên thế giới. Giá bán trên ASOS tuy không thật rẻ nhưng hợp lí và thường xuyên có "mốt" mới, ASOS được khá nhiều bạn gái trẻ ở châu Âu biết đến.

"Cẩn tắc vô áy náy"

Điểm bất lợi của việc mua sắm trên mạng là bạn không tận mắt nhìn thấy món hàng và không thể kiểm tra hàng trước khi đặt lệnh mua. Hình ảnh "những cửa hàng online" có thể không cung cấp đầy đủ thông tin mà bạn cần biết. Điều này có thể làm bạn không hài lòng về món hàng khi nhận được. Dù vậy, phần lớn các trang web buôn bán đều cho phép gửi trả hoặc đổi hàng trong một khoảng thời gian nhất định sau khi bạn mua hàng với điều kiện bạn phải trả bưu phí. Đây là một trong những nguyên tắc của các thị trường online với mục đích làm hài lòng người tiêu dùng, nhưng nguyên tắc này không áp dụng cho những vụ mua bán qua người bán lẻ và các món hàng second-hand.

Vì thế, một lời khuyên khi mua sắm trên mạng là bạn cần biết rõ các món hàng trước khi quyết định mua. Đối với hàng điện tử, bạn nên ra các cửa hàng điện tử bên ngoài để xem xét và xác định rõ món hàng cần mua, sau đó bạn có thể mua chúng trên mạng với giá rẻ. Đối với quần áo, bạn phải biết rõ kích thước (size) của mình để tránh mua đồ quá rộng hay quá chật. Trước khi mua, bạn nên đọc kỹ các thông tin miêu tả sản phẩm, chất liệu sản phẩm, điều kiện bảo quản... chứ không chỉ nhìn vào hình ảnh sản phẩm. Bên cạnh đó, tìm hiểu luật lệ, quy tắc và độ tin cậy của từng cửa hàng online trước khi bạn quyết định cung cấp số thẻ tín dụng của mình luôn là một việc làm quan trọng và cần thiết, bởi hiện nay số trang web giả mạo buôn bán để ăn cắp thông tin thẻ tín dụng của khách hàng đang ngày càng tăng. Hơn nữa, qua các quy tắc và luật lệ, bạn có thể biết rõ hơn về hình thức mua bán, trả tiền và khả năng đổi trả hàng hóa của website đó trước khi quyết định mua bất cứ thứ gì.

Hy vọng những điều này sẽ giúp bạn mua sắm trên mạng thật thoải mái và an toàn nhân dịp năm mới.

KINH NGHIỆM SĂN HÀNG HI-TECH SECOND-HAND

Tại Việt Nam, để mua hàng hi-tech (công nghệ cao) second-hand (đã dùng) qua mạng, bạn có thể vào một số trang web mua bán như www.raovatmuaban.com, www.muabanraovat.com, www.phomuaban.com, www.vietco.com, www.quangcaosanpham.com, www.saigondaugia.com, www.azraovat.com. Ở đó có tất cả "thượng vàng hạ cám", từ điện thoại tích hợp công nghệ kết nối không dây (wireless), bluetooth, hỗ trợ công nghệ 3G; camera nhỏ gọn có độ phân giải cao đến PDA hay Pocket PC với dung lượng lưu trữ khá lớn, có thể chứa và sử dụng nhiều bản nhạc, phim... Để mua được những con "chiến mã” như máy tích xách tay IBM ThinkPad T43, O2 XDA mini đời mới hay chiếc Ipod... với giá rẻ hơn hàng mới 30-40%, bạn cần chịu khó tìm kiếm (search) trong nhiều ngày, đôi khi hàng tuần.

Tìm mua hàng hi-tech second-hand trên mạng khá phức tạp vì bạn không tận mắt thấy hàng và phải mua trao tay (thuờng không có bảo hành). Việc mua bán cũng diễn ra rất chóng vánh khiến khách hàng không có thời gian kiểm tra hiện trạng của thiết bị. Nếu không phải là dân "sành" sản phẩm hi-tech thì bạn không nên tự mua mà nên nhờ một người "sành điệu" tư vấn và test sản phẩm ngay khi mua.
Hãy giao dịch qua điện thoại, email nhiều lần trước khi hẹn ngày giao hàng để chắc chắn món hàng đó thực sự thuộc về người bán (không phải là hàng ăn cắp) và để trả giá. Trong trường hợp người rao bán hàng trên mạng hẹn bạn dời lại ngày nhận hàng hay đề nghị mua một model khác thì hãy sớm "bái bai" họ, bởi có lẽ đó không phải chủ nhân thực thụ của món hàng second-hand cần bán. Trong nhiều trường hợp, đó chỉ là "cò” (môi giới) đang rao bán một món hàng nhìn thấy tại một cửa hàng nào đó, dĩ nhiên là với giá đắt hơn!
Sơn Nguyễn


Thanh Nga
Oxford, UK

Thứ Tư, 18/01/2006 08:37
31 👨 530
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản