Máy tính của bạn: Đánh bóng PC

Bạn có cảm giác chiếc PC của mình đang trở thành “đồ cổ”? Dưới đây là những cách lên dây cót cho PC chạy nhanh hơn, lưu trữ được nhiều hơn và hơn cả thế... để giải trí nữa!

Bạn muốn tận dụng những công nghệ mới cho PC có đến 2 năm tuổi mà không phải mua PC mới? Điều này nghe có vẻ như không tưởng. Bạn đừng vội nản lòng, nếu biết nâng cấp bạn có thể tân trang cỗ máy cũ kỹ của mình.

Có thể bạn từng nghe về ổ cứng SATA cho tốc độ nhanh hơn ổ IDE. Có thể mạng không dây của bạn không vươn đủ xa và bạn quan tâm đến thiết bị access point khác mạnh hơn. Hoặc có thể bạn muốn chơi những game mới nhất mà không ngại về khả năng đồ họa.

Quay lại vấn đề, chiếc PC không còn mới cáu cạnh của bạn vẫn có nhiều tiềm lực. Bạn có thể thêm vào những thứ dưới đây và bổ sung cả những công nghệ mới một cách khá dễ dàng. Điều quan trọng nhất là xác định bạn muốn làm gì với chiếc máy tính của mình, sau đó chọn đúng thứ để nâng cấp.

Bài viết đưa ra 4 mục chủ yếu nâng cấp cho một PC: tăng khả năng, tính linh hoạt và tốc độ cho việc lưu trữ dữ liệu; thay thế những thành phần làm chậm tốc độ hệ thống; thêm vào các chức năng đa phương tiện như ghi chương trình TV; cải tiến bảo mật cho PC bằng phần cứng để bảo vệ dữ liệu.

Nâng cấp dung lượng lưu trữ

Nhớ những ngày khi bạn còn tự hỏi làm gì để chứa cho đầy một ổ cứng dung lượng 20GB? Với nhu cầu lưu trữ ngày càng tăng để chứa các tập tin hình ảnh, nhạc, phim và các tập tin dung lượng lớn khác, dung lượng của ổ cứng cũng phải tăng khả năng lưu trữ. Khi kích thước tập tin tăng, ổ cứng cũng phải đẩy nhiều dữ liệu lên PC nhanh hơn. Trong khi đơn giản chỉ việc mua và cài đặt một ổ cứng mới là có thể đáp ứng đủ nhu cầu lưu trữ thì làm thế nào bạn đảm bảo an toàn cho dữ liệu khi một ngày nào đó ổ cứng bị hỏng? Bạn có thể sao lưu ra một ổ cứng gắn ngoài, hoặc bạn có thể dùng công nghệ RAID để đảm bảo công việc vẫn trôi chảy nếu một ổ cứng bị hỏng.

Còn nếu muốn cải thiện tốc độ lưu trữ, bạn có thể xem xét dùng công nghệ mới như ổ cứng Serial ATA (SATA) cho PC. Bạn cũng có thể dùng cấu hình RAID để tăng tốc tốc độ truyền dữ liệu.

Serial ATA thay thế cho chuẩn kết nối Parallel ATA cũ kỹ (còn gọi là IDE) giữa bo mạch chủ và ổ cứng, cho tốc độ nhanh hơn. Các ổ cứng SATA mới truyền dữ liệu ở tốc độ 150mbps, nhanh hơn gần 50% so với ổ đĩa cứng IDE hiện nay. SATA không chỉ nhanh hơn IDE mà còn dễ thiết lập hơn: dây cáp SATA nhỏ gọn hơn và bạn không phải nhức đầu với các jumper.

RAID (Redundant Array of Independent Disks) giúp tăng tốc cho ổ cứng, gấp đôi so với IDE chuẩn. Nếu bạn dùng ổ SATA theo cấu hình RAID thì tốc độ càng cao hơn. Nhưng cấu hình RAID khó thiết lập và đắt tiền. Ví dụ, trừ bo mạch chủ của bạn có hỗ trợ RAID, nếu không thì bạn cần phải có một card adapter đặc biệt cộng với ít nhất là 2 ổ cứng (xem hình).

Chuyển sang SATA

Nếu bo mạch chủ của bạn đã có sẵn giao tiếp SATA (tìm trên bo mạch một cặp đầu nối màu đen mỏng) thì bạn đã có thể dùng thêm ổ SATA. Còn không thì bạn phải có thêm một card gắn kèm.

Để thêm hay thay ổ IDE bằng ổ SATA, bạn cần chuẩn bị vài thứ. Đầu tiên, bạn phải cài trình điều khiển SATA để Windows có thể nhận diện ổ cứng mới kết nối. Nếu bạn muốn thay cả ổ IDE thì bạn cũng phải chép (hoặc cài đặt) Windows và chương trình sang ổ SATA. Còn nếu bạn chỉ muốn dùng ổ SATA để lưu trữ thêm thì đơn giản chỉ cần gắn nguồn điện vào ổ cứng, cắm vào ổ SATA và sau đó khởi động lại hệ thống, sử dụng Windows Disk Manager để phân vùng và định dạng ổ đĩa (bạn có thể xem hướng dẫn chi tiết trong bài “Tăng tốc đĩa cứng bằng Serial ATA”; ID: A0309_137).

Phần lớn đi kèm theo ổ cứng có tiện ích sao lưu dữ liệu, nếu không có bạn dùng Norton Ghost 9 của Symantec cũng có tính năng sao lưu (www.symantecstore.com).

Nâng cấp RAID

Nếu bạn muốn đẩy tốc độ ổ cứng lên nhanh nhất thì RAID là giải pháp bạn cần đến. Quyết định dùng RAID phụ thuộc vào yêu cầu về tính tin cậy và tốc độ, ngân quỹ và khả năng bạn có thể giải quyết những rối rắm trong quá trình thiết lập.

Những ứng dụng khả thi nhất của RAID là: nhân sao nội dung của một ổ cứng này sang ổ cứng khác (mirroring), cung cấp cho bạn một bản copy làm việc liên tục cho dù có một ổ cứng “gãy gánh” nửa chừng; chia nhỏ dữ liệu ra nhiều ổ cứng (striping) để tăng tốc độ đọc ghi; và kết hợp cả 2 cấu hình trên. (Xem thêm mục “Cấu hình RAID giúp tăng tốc và giảm lỗi cho ổ cứng” trong bài).

Việc cài đặt và cấu hình RAID và ổ cứng liên quan đến việc sử dụng phần mềm thiết lập đi theo card điều khiển RAID. Thường ta truy cập đến thiết lập RAID bằng cách nhấn một tổ hợp phím (tổ hợp phím này được hiển thị khi hệ thống khởi động). Hầu hết các chương trình thiết lập RAID đều có hướng dẫn bạn việc chọn cấu hình; sau đó chúng tự động thiết lập ổ cứng và card điều khiển để hỗ trợ cấu hình đó. Một khi thiết lập hoàn chỉnh, bạn có thể cài đặt HĐH Windows mới trên các ổ RAID, hoặc bạn có thể phân vùng và định dạng những ổ đĩa này với công cụ Disk Manager của Windows và dùng chúng để lưu trữ.

Sau khi cài đặt, Windows xem cấu hình RAID của bạn giống như bất cứ ổ cứng chuẩn thông thường nào. Cũng giống như mọi ổ cứng, bạn nên sao lưu dữ liệu thường xuyên. RAID mirroring sẽ không bảo vệ nếu ví dụ bạn xóa tập tin quan trọng vì thao tác này thực hiện xóa trên cả 2 ổ cứng.

Nếu bạn không đủ tài chính cho RAID nhưng vẫn muốn dữ liệu được chứa ở 2 nơi, hãy xem xét cơ chế nhân sao dựa trên phần mềm. Công cụ MirrorFolder (giá 40 USD; www.techsoftpl.com) của Techsoft có khả năng nhân đôi dữ liệu của bạn để chứa vào bất cứ ổ nào được ánh xạ, bất kể ổ đó nằm trong máy tính bạn hay ổ lưu trữ trên mạng LAN. MirrorFolder chạy nền, vì vậy bạn sẽ không nhận biết khi nó hoạt động.

Dùng hộp gắn ổ cứng

Nếu bạn có một ổ cứng IDE cũ, hãy tận dụng nó làm ổ lưu trữ di động qua ngõ USB (giá khởi điểm khoảng 15 USD). Đơn giản bạn chỉ việc mua một hộp ổ cứng gắn ngoài qua giao tiếp USB, gắn ổ cứng cũ vào hộp, cắm adapter nguồn và kết nối cáp USB với PC và thế là bạn có một thiết bị lưu trữ di động. Hộp gắn ngoài cho ổ cứng này có 2 phiên bản cho ổ cứng máy tính xách tay 2,5 inch và cho ổ SATA 3,5 inch. Bạn cũng có thể tìm được loại hộp dùng kết nối FireWire (IEEE 1394).

Không phải ai cũng có điều kiện tạo một ổ cứng gắn ngoài của riêng mình, vì vậy một số hãng sản xuất bộ đồ nghề ổ cứng gắn ngoài cho việc sao lưu dữ liệu. Nhiều ổ cứng như Shared Storage Drive 300GB của Maxtor (giá 350 USD; find.pcworld.com/48388) cũng có kết nối mạng, vì vậy bạn có thể dùng chúng như máy chủ file độc lập trên mạng.

Nhưng nếu bạn muốn linh động sử dụng ổ cứng như ổ gắn trong hoặc ổ di động thì hệ thống Saturn Mobile Rack của Addonics (giá từ 40 USD đến 90 USD tùy thuộc tính năng; find.pcworld.com/48389) cho phép bạn lắp một ổ cứng IDE hoặc SATA vào một hộp đặt vừa vào khay ổ đĩa trên thùng máy. Bạn cũng có thể rút ổ cứng ra và đem đi đây đó. Chiếc hộp di động này có cả giao tiếp USB và FireWire (tùy model).

Tăng tốc hệ thống

Bạn có thể tăng tốc khá nhiều cho hệ thống bằng cách nâng cấp 2 thành phần cơ bản: CPU và bộ nhớ RAM. Bất kể máy tính của bạn thuộc loại máy “khui thùng” hay lắp ráp thì thường đều có thể gắn thêm RAM. Có vài bo mạch chủ có thể chạy được với các dòng CPU mới. Nhưng thêm các thành phần này có thể sẽ làm cho hệ thống toả nhiều nhiệt, do đó giảm tuổi thọ của máy tính. Việc thêm vào một hoặc hai chiếc quạt tản nhiệt giúp hệ thống tránh được tình trạng bị treo máy và giảm tuổi thọ của máy.

Tăng thêm RAM

Trong các loại nâng cấp thì thêm RAM là loại nâng cấp tốn kém nhất. Thậm chí hiện nay, vài PC mới khi bán ra chỉ được trang bị RAM 256MB, đây là con số tối thiểu mà HĐH Windows XP đòi hỏi.

Nếu hệ thống có quá ít bộ nhớ RAM buộc Windows phải luân phiên hoán chuyển chương trình và dữ liệu giữa RAM và ổ cứng thì sẽ làm giảm tốc độ. Thêm vào nhiều RAM hơn sẽ cắt giảm bớt nhu cầu của Windows dựa vào ổ cứng, do đó mọi thứ sẽ chạy nhanh hơn và trơn tru hơn.

Hầu hết các chuyên gia đều khuyến cáo, để chạy tốt Windows XP thì RAM phải có ít nhất 512MB, một số người đề nghị đến 1GB, 1,5GB hoặc 2GB để giải quyết những vấn đề về thiếu bộ nhớ và chậm chạp của hệ thống. Nếu bạn sử dụng PC chủ yếu để chạy các ứng dụng văn phòng, web và email thì hãy cân nhắc nâng cấp RAM của máy lên 512MB. Còn nếu bạn chạy nhiều ứng dụng cùng một lúc, thường phải mở CSDL hoặc bảng tính lớn, hoặc biên tập audio, video thì bạn nên nâng cấp RAM lên hạng gigabyte thì hệ thống mới không bị tình trạng “rùa bò”.

Vài thanh RAM được thiết kế cho tốc độ cao, có thêm một số tính năng dành cho người dùng cần đến tốc độ. RAM Ballistix Tracer của Crucial (thanh 512MB giá khoảng 125 USD; find.pcworld.com/48390) sử dụng hàng đèn LED trên mỗi thanh để chỉ mức độ hoạt động của RAM vào một thời điểm nào đó. Còn RAM XMS Xpert của Corsair (thanh 1GB giá khoảng 185 USD; find.pcworld.com/48392) có một bảng đèn LED sáng ở trên mỗi thanh RAM cho bạn biết nhiệt độ và chẩn đoán tình trạng hoạt động của RAM.

Bạn hãy kiểm tra hệ thống của mình để biết được loại RAM và tốc độ RAM phù hợp với PC bạn đang dùng. Bạn có thể thêm một thanh DDR vào hệ thống chạy RAM DDR, nhưng RAM DDR2 phải chạy đúng cặp. Nếu bạn mua RAM có tốc độ cao hơn RAM cũ chút đỉnh thì có thể thanh RAM đó không đem lại hiệu quả gì nhiều (xem thêm mục “RAM mới, tốc độ cao có thể rẻ hơn” trong bài).

Tiện ích chẩn đoán miễn phí Sandra 2005 của Sisoft (www.pcworld.com.vn; ID: 47836) có thể cho bạn biết trên máy hiện đang chạy loại RAM nào (trong mục Mainboard Information, tìm thông tin Memory Modules). Cầm theo quyển sách hướng dẫn hoặc một trong các thanh RAM của máy ra cửa hàng có thể giúp người bán hàng chọn đúng loại và dung lượng RAM cho máy của bạn.

Một qui tắc khác áp dụng chung để nâng cấp nhưng đặc biệt đối với RAM là: hãy chọn những loại RAM có tên tuổi. RAM kém chất lượng có thể khiến PC của bạn không hoạt động hoặc khi chạy dễ bị treo máy. Những loại RAM “không tên tuổi” thường rẻ hơn và bán với thời gian bảo hành ngắn, đôi khi chỉ có vài ngày. Một số hãng có tên tuổi về RAM:Corsair, Crucial, Micron, Wintec...

Có thể nâng cấp CPU?

Thông thường, nếu bạn muốn nâng cấp BXL cho PC thì bạn cần mua một bo mạch chủ mới (và cũng thường phải mua luôn RAM mới). Tuy vậy, nếu bạn đã từng dùng BXL AMD 64-bit thì đây là một tin tốt: AMD hiện có CPU nhân đôi, Athlon 64 X2 (từ 537 USD đến 1001 USD; multicore.amd.com) có thể tăng tốc cho hệ thống Athlon 64 đáng kể mà không phải mua hay lắp đặt một bo mạch chủ mới. X2 vừa với socket dùng cho các CPU Athlon 64 hiện nay và cũng có cùng yêu cầu về nguồn điện. Để biết thêm chi tiết, bạn xem bài “Vòng đua 2 nhân đầu tiên”, ID: A0507_22. Bạn cũng có thể đến trang web của AMD để xem cách lắp đặt. (
http://www.amd.com/us-en/Processors/TechnicalResources/).

Nếu bạn có kế hoạch nâng cấp CPU loại này, bạn sẽ cần cập nhật BIOS cho bo mạch chủ. Nếu bạn biết nhãn hiệu bo mạch chủ của mình, hãy kiểm tra trang web của nhà sản xuất để xem có hỗ trợ BXL X2 không. Còn không, hãy đến trang motherboards.org để nhận diện được bo mạch chủ của mình. Ở trang web của nhà sản xuất, hãy tìm phiên bản BIOS và tiến hành cập nhật để bo mạch hỗ trợ cho Athlon 64 X2.

Bạn cũng sẽ cần áp dụng bản vá BIOS trước khi lắp CPU vào. Khi đã chắc chắn hệ thống có thể khởi động và chạy được với BIOS mới, tắt máy và thay thế CPU (xem từng bước thực hiện tại find.pcworld.com/43512, nhớ luôn phải theo chỉ dẫn của nhà sản xuất). Trước khi mở máy trở lại, đảm bảo đã lắp đặt hoàn chỉnh bộ tản nhiệt.

Đẩy USB lên 2.0

USB 2.0 cho bạn chuyển dữ liệu vào/ra thiết bị lưu trữ USB và tải hình từ máy ảnh số nhanh hơn. Nếu máy của bạn chỉ có USB 1.1 thì bạn trở thành người “lạc hậu” rồi. Thêm hỗ trợ giao tiếp 2.0 cũng đơn giản, chỉ việc mua card gắn thêm.

Những card này có giá từ khoảng 15 USD đến 60 USD, tùy thuộc vào card có bao nhiêu cổng USB (bạn có thể đến find.pcworld.com/48421 để xem các loại card). Card có thể gắn vào khe PCI chuẩn trên máy tính để bàn, hoặc khe CardBus/PC Card của MTXT, ví dụ như CardBus USB 2.0 F5U22 của Belkin (giá 65 USD, find.pcworld.com/48420).

Card bổ sung USB 2.0 khá dễ cài đặt: bạn tắt máy tính, gắn card vào khe cắm phù hợp, bật nguồn trở lại và cài trình điều khiển. Vài loại PC Card yêu cầu kết nối trực tiếp với dây nguồn điện mới hoạt động được.

Tăng tốc cho mạng

Chuyển mạng dùng dây lên gigabit, hoặc chuyển mạng không dây 802.11b hoặc 802.11g lên mạng MIMO hoặc “pre-N” (là phiên bản “lót đường” cho chuẩn 802.11n sắp đến) sẽ giúp giảm thiểu được vấn đề nghẽn cổ chai khi bạn chuyển dữ liệu giữa các PC. Việc chuyển từ 11b lên 11g, MIMO hay pre-N có thể cho bạn chuyển video, nhạc trên mạng mà không bị giật, hoặc bạn có thể sao lưu một PC qua mạng không dây. Hầu hết người dùng sẽ cần phải mua một router mới, và có thể là một adapter mạng mới cho mỗi PC trên mạng để có được những ích lợi mà công nghệ không dây mới mang lại.

Hiện tại với mạng không dây đứng đầu hiện nay là MIMO, mặc dù nhiều công ty khác định nghĩa MIMO để chỉ đến những công nghệ khác như là công nghệ mạng không dây dùng nhiều anten để cải thiện tín hiệu sóng radio truyền dẫn. Công nghệ này rồi cũng sẽ nhường bước khi chuẩn không dây 802.11n kế tiếp xuất hiện vào năm 2006. Về lý thuyết, chuẩn 802.11n sẽ truyền dữ liệu nhanh hơn 802.11b và 802.11g khá nhiều.

Nhìn chung, sản phẩm MIMO có thể giải quyết được vấn đề “điểm chết” (không thể nhận diện hay kết nối được mạng không dây trong vùng phủ sóng) và có vùng phủ sóng xa hơn. Nhưng với những khoảng cách ngắn, bạn sẽ không thấy rõ được cải tiến về tốc độ truyền.

Hạ nhiệt cho PC

Nếu bạn đang “siết” tốc độ cho PC thì đồng nghĩa bạn cũng đang làm nhiệt độ trong thùng máy nóng lên có thể dẫn đến bất ổn. Mọi thành phần mới mà bạn cài vào sẽ góp thêm nhiệt cho máy, nên hầu hết các card đồ họa mới hiện nay đều có kèm theo quạt làm mát ngay trên bo mạch và yêu cầu bạn cấp thêm nguồn điện. Ô cứng, các loại card gắn thêm và ngay cả RAM đều tỏa nhiệt. Và nếu không có biện pháp giảm nhiệt thì có thể các linh kiện này khó mà sống thọ được.

Lắp một hoặc hai chiếc quạt không phải là vấn đề quá khó, hầu hết các thùng máy PC hiện nay đều có các điểm gắn quạt được thiết kế sẵn phía sau (vài thùng máy có cả ở phía trên và 2 bên). Tất cả thứ bạn cần là một cái quạt, ít con ốc và vài phút đồng hồ. Với giá từ 5 USD đến 15 USD tùy vào kích thước, độ ồn... của quạt, bạn có thể tự mình lắp quạt dễ dàng. Nhưng trước khi mua quạt, bạn nên cẩn thận đo kích thước khoang trống và các nút bắt ốc của thùng máy để mua đúng loại.

Nếu thùng máy quá chật, hoặc thùng không có chỗ để bắt thêm quạt thì có thể bạn nên xem xét lắp quạt ở một nơi khác. Một chiếc quạt dạng khe cắm (như quạt Spire Exhauster, find.pcworld.com/48408) có thể gắn vào một khe cắm trống và gắn vừa vặn giữa các card. Nếu bạn muốn thêm gió trong thùng máy và có 1 khay trống 5,25 inch (khe gắn ổ quang), Bay Freezer (10-15 USD, find.pcworld.com/48414) sẽ lấy gió từ phía trước thùng máy để đưa vào bên trong.

Những người chuyên nâng cấp cũng thích dùng thiết bị điều khiển vòng quay quạt tùy thuộc vào nhiệt độ bên trong thùng máy. Việc này giúp cho PC mát và ít ồn hơn. Để dùng được điều khiển quạt, bạn phải gắn thêm một hoặc vài thiết bị cảm biến nhiệt trong thùng máy. Thiết bị điều khiển quạt HardCano 13 giá 70 USD của Thermaltake có thể điều khiển đến 4 quạt, cho bạn biết tốc độ quay của mỗi quạt trên màn hình LED. Hữu dụng hơn, nó cũng có vài khe đọc một số loại thẻ nhớ.

Tản nhiệt nước là cách để đạt được mức làm mát ít ồn nhất. Hệ thống làm mát bằng chất lỏng bơm nước qua một miếng tản nhiệt đặc biệt mà bạn có thể gắn lên CPU hay các thành phần khác bên trong máy, nước sẽ tuần hoàn ra một máy bơm bên ngoài PC. Tuy nhiên, hệ thống tản nhiệt nước không rẻ và cũng không dễ lắp đặt. Nhưng nếu bạn thực sự chú trọng đến việc giữ cho hệ thống mát và êm thì giải pháp này đáng để xem xét.

Tự tạo trung tâm giải trí

Bạn thích xem phim, TV trên PC? Bằng cách kết hợp phần cứng, phần mềm thích hợp, bạn có thể chuyển chiếc PC của mình thành một máy thu truyền hình, chiếu phim, nghe nhạc cho cả nhà.

Thêm card TV

Bước đầu tiên để tự tạo một trung tâm giải trí cho riêng mình là bạn phải quyết định xem mình muốn gì. Với hầu hết mọi người, đó là thu hình từ các chương trình TV, bất kể truyền hình cáp hay vệ tinh. Các hãng như ATI, Hauppauge, NVIDIA và Pinnacle Systems có khá nhiều sản phẩm phục vụ bạn: card TV gắn kèm, hộp xem TV gắn qua ngõ USB, card đồ họa có tích hợp thu sóng TV. Những sản phẩm này luôn có kèm phần mềm để ghi hình TV (hoặc đôi khi từ các nguồn khác, như máy quay số), cộng với các hướng dẫn để bạn tự mày mò.

Nếu bạn có ý nâng cấp card đồ họa và muốn thêm cả card TV cùng lúc, thì dòng card All-In-Wonder của ATI rất phù hợp. All-In-Wonder X800XT (giá khoảng 500 USD, find.pcworld.com/48423) kết hợp card đồ hoạ cao cấp và card TV, thiết bị bắt sóng FM và tất cả các phần mềm bạn cần để lên lịch ghi hình cho TV hay thu radio, cộng với thiết bị điều khiển từ xa dùng tần sóng radio (RF) hoạt động nhịp nhàng với các ứng dụng đó.

X800XT cũng có ngõ S-video và ngõ nhập/xuất composite cho hầu hết các kết nối video cũng như ngõ DVI-I và VGA cho màn hình PC. Nó có phần mềm PVR riêng, cộng với chương trình Guide Plus của Gemstar để lên lịch và tìm kiếm, phần mềm ghi đĩa DVD để ghi ra đĩa các chương trình thu được.

Thiết bị điều khiển từ xa dễ cầm, điều đặc biệt là bạn có thể chuyển kênh, điều khiển thiết bị từ một phòng khác trong nhà. Nếu bạn mua một card TV hay một TV box từ các hãng khác nhưng muốn điều khiển từ xa qua sóng radio (RF) giống như của All-In-Wonder thì bạn có thể mua thiết bị điều khiển riêng, có tên là Remote Wonder (giá khoảng 40 USD, find.pcworld.com/48425).

Nếu quyết định bổ sung card TV vào máy tính thì bạn cũng nên cân nhắc trong việc lắp đặt dây cáp, nên bố trí sao cho khỏi ai vấp phải.

Nâng cấp đồ họa

Nếu bạn muốn một chiếc card TV “xịn” hơn, bạn có thể mua một card đồ họa mới với tốc độ “đỉnh” có khả năng hiển thị tốt nhất với tần số khung hình/giây cần thiết cho video và game 3D. Những card đồ họa mới có thể có những tính năng như bắt hình, TV, và có những cổng xuất hình ra nhiều màn hình như: dual-DVI, DVD và VGA, hoặc 2 ngõ VGA.

Nhiều PC mới có loại giao tiếp mới gọi là PCI Express mà các máy tính trước đây không có. Điều này khá quan trọng vì các nhà sản xuất card đồ họa chỉ đưa ra sản phẩm gắn được hoặc vào khe PCI Express hoặc vào khe AGP mà thôi. Bạn cần mua loại card mà bo mạch chủ máy bạn hỗ trợ, bạn không thể hoán đổi được giữa 2 giao tiếp này.

Lắp đặt một card đồ họa mới cũng dễ dàng: tắt máy tính, mở thùng máy, định đúng khe cắm (chỉ có 1 khe, thường nằm phía trên các khe PCI màu trắng), gắn card mới, và định cứng card bằng ốc hoặc bằng các khấc được thiết kế sẵn. Sau đó đóng thùng máy lại, kết nối dây màn hình vào card mới và khởi động lại máy tính. Bây giờ bạn đã sẵn sàng (để biết thêm chi tiết về cài đặt card đồ họa, đến find.pcworld.com/48428).

Một khi bạn lắp xong và khởi động PC, Windows sẽ nhận diện card mới và cố tải trình điều khiển. Bạn có thể dùng trình điều khiển chứa trên CD đi kèm với card, tuy nhiên bạn nên đến trang web của nhà sản xuất để tải về trình điều khiển mới nhất mà thường là mới hơn trình điều khiển có trên CD.

Cài đặt xong, bạn khởi động lại máy, sau đó chỉ việc chỉnh lại độ phân giải màn hình và tần số làm tươi màn hình cho thích hợp (nhấn chuột phải vào desktop, chọn Properties, và chọn mục Settings để thay đổi thiết lập). Chắc chắn bạn sẽ thấy màn hình sắc nét và đáp ứng nhanh hơn. Để thử một cách đầy đủ, bạn nên xem thử video toàn màn hình hay thử chơi game.

Ghi hình và chia sẻ

Một khi bạn ghi và quản lý được các nguồn giải trí trên PC, có thể bạn muốn trình diễn chúng trong phòng khách. ShowCenter 200 của Pinnacle Systems (giá 270 USD, find.pcworld.com/48427) có thể phân phối chương trình, hình ảnh hay nhạc đến mỗi TV hay hệ thống loa trong nhà bạn. Phần mềm ShowCenter 200 lấy nhạc và video qua mạng có dây hoặc không dây, có thể lưu dự phòng các chương trình này lên DVD, và đến lúc này thì bạn cần phải có một ổ ghi DVD để làm điều đó.

Bảo vệ PC

Nhiều năm nay, bạn nghe đến “bùng lỗ tai” rằng phải dùng phần mềm bảo mật để bảo vệ máy tính. Nhưng bạn có thể thực hiện bảo mật bằng cách nâng cấp phần cứng và thêm các bảo vệ vật lý cho PC.

Để bảo vệ triệt để an toàn cho PC ngay tại nhà cũng như ở văn phòng, bạn khóa cứng hệ thống và ổ cứng lại, đồng thời thêm thiết bị nhận dạng vân tay (sinh trắc học) để bảo mật cho HĐH và các ứng dụng.

Khóa dữ liệu

Bất cứ bảo mật ở mức vật lý nào trên PC cũng sẽ khiến kẻ trộm e dè. Nếu bạn thực sự muốn bảo mật, không muốn cho bất kỳ một ai đụng đến dữ liệu thì bạn phải khóa ổ cứng khi cần thiết, và cất nó vào một chiếc tủ khóa cẩn thận khi bạn không dùng đến.

Bắt đầu từ sợi dây khóa cho PC của bạn, cho máy tính để bàn và MTXT, ngay cả cho bất cứ thứ gì trên bàn làm việc của bạn. Dây khóa Microsaver của Kensington (từ 6 USD trở lên, find.pcworld.com/48429) là một trong nhiều sản phẩm như vậy, khá nhỏ gọn và nhẹ đủ để mang theo khi bạn đi đây đó và đủ bền chắc để giữ máy tính của bạn an toàn tại nơi làm việc. Hệ thống bảo mật 007 của Compu-lock cho máy tính để bàn (29 USD, find.pcworld.com/48430) gồm một bộ các miếng dán và một dây khóa để khóa hộp máy tính để bàn chặt với bất kỳ bề mặt cứng nào.

Đem theo bên mình

Một cách bảo vệ dữ liệu tránh những cặp mắt tò mò đơn giản nhất là xách máy theo bên mình. Hộp ổ cứng có khóa có thể bảo vệ được ổ cứng của bạn và hiện có nhiều nhà cung cấp thiết bị này như Addonics, Datastor và Promise. Tại bàn làm việc, bạn có thể khóa ổ cứng ngay trong thùng máy. Khi phải mang dữ liệu theo bên mình, bạn mở khóa ổ cứng, trượt ổ cứng ra khỏi khay và xách theo. Giá cho mỗi khay từ 8 USD đến 50 USD.

Nếu bạn đang tìm một thứ gì đó nhỏ gọn hơn, hãy thử ổ Flash Cardmedia Biodisk USB (giá tùy vào dung lượng, find.pcworld.com/48432) hoặc ổ Flash FBIDrive (www.fbidrive.com) của Newport Scientific Research. Cả 2 sản phẩm đều có tích hợp đầu đọc vân tay. Để lấy dữ liệu ra khỏi ổ, bạn cần phải quét vân tay vào đầu đọc vân tay có sẵn trên thiết bị. Bạn cũng có thể dùng bộ đọc này để đăng nhập vào máy tính.

Bảo mật lưu trữ

Hiện có nhiều sản phẩm có tích hợp bảo mật sinh trắc học. Lockbox của Solutions (giá từ 200 USD, find.pcworld.com/48434) là một ổ cứng gắn ngoài có tích hợp đầu đọc vân tay. Lockbox có thể mang đi bất kỳ đâu, có dung lượng từ 80GB đến 200GB. Nó hỗ trợ đến 8 người dùng chung ổ cứng.

Trước khi kết nối Lockbox vào PC, bạn phải thiết lập trên phần mềm. Phần mềm hướng dẫn bạn thiết lập một tài khoản quản trị, cho bạn toàn quyền điều khiển ổ cứng và quản lý người dùng khác sử dụng ổ cứng. Bạn có thể cho người khác truy cập đến toàn bộ ổ cứng hoặc có thể gán một dung lượng trống trên đĩa cho từng người dùng riêng lẻ qua bảo mật vân tay. Phần mềm khác dựa trên vân tay cũng có thể tận dụng tính năng bảo mật này của Lockbox.

Bảo mật sinh trắc học

Quản lý mật mã hiện nay dù không còn đau đầu như trước vì phải nhớ vô số mật mã rối rắm khác nhau, nhưng bạn vẫn cần một mật mã chủ để bảo vệ tất cả mật mã trên. Vị vệ sĩ học này rất tuyệt nếu bạn quên mật mã chủ. Đó là lý do tại sao các thiết bị sinh trắc học tỏ ra rất tiện lợi, chúng nhận diện bạn với PC sử dụng vân tay hay các chi tiết về sinh học mà chỉ riêng bạn có. Bạn có thể đăng nhập vào máy, trang web, tài khoản e-mail chỉ bằng việc đưa nhận dạng vào PC, thế là bạn có thể “nói chuyện” với máy.

Nếu bạn chuẩn bị chuyển tất cả các mật mã bằng văn bản của mình sang dạng sinh trắc học, hãy xem qua chuột và bàn phím Intellipoint sinh trắc học của Microsoft (giá khởi điểm từ 45 USD, find.pcworld.com/48436). Những thiết bị nhập này cho ngón tay của bạn có quyền “phát ngôn”. Chúng thay thế mật mã cũ của Windows để đăng nhập, phần mềm Password Manager của Digitalpersona cũng rất dễ dùng (
www.digitalpersona.com).

Digitalpersona cũng bán một bàn phím với đầu đọc vân tay (bàn phím U.are.U giá 130 USD), hoặc đầu đọc vân tay riêng. Đầu đọc vân tay khác là Verifi P3400 của Zvetco Biometrics (giá 99 USD, www.zvetcobiometrics.com) kết nối qua cổng USB và có thêm một ứng dụng quản lý mật mã.

Một khi bạn cài phần cứng và trình điều khiển cho các thiết bị bảo mật sinh trắc học như bộ đọc vân tay của Microsoft, việc thiết lập nhận diện vân tay cho Windows và trang web khá nhanh và dễ dàng. Ví dụ, để thiết lập đăng nhập vào 1 trang web ưa thích, đơn giản chỉ việc nhấn chuột vào tên người dùng hay log in vào trang web, đặt tay vào đầu đọc vân tay, gõ tên và mật mã vào cửa sổ pop-up của đầu đọc vân tay, sau đó đặt tay vào đầu đọc 1 lần nữa. Như vậy, bạn có thể đăng nhập vào trang web chỉ bằng động tác chạm tay. Các sản phẩm của Microsoft cũng hỗ trợ Fast User Switching trong Windows XP để thiết lập đăng nhập tiện lợi hơn.

Ngăn chặn những cặp mắt tò mò

Người dùng MTXT thường hay di chuyển chắc hẳn rất bực mình với nhiều cặp mắt tò mò. Nếu bạn muốn người ngồi kế bên mình không thấy được việc bạn đang làm thì hãy xem Privacy Filters của 3M (có giá khởi điểm là 35 USD, find.pcworld.com/48438). Những miếng nhựa mỏng này vừa với màn hình MTXT của bạn và giảm được góc nhìn, chỉ người ngồi trực diện với màn hình mới có thể xem được. Còn với máy tính để bàn thì sao? 3M cũng có màn hình LCD 17 có bộ lọc tích hợp sẵn bên trong (giá 500 USD, find.pcworld.com/48439).

Lê Duy
PC World Mỹ 8/2005.

Thứ Bảy, 08/10/2005 09:10
31 👨 619
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản