"Cai nghiện" Facebook một cách thật khoa học

Việc sử dụng Facebook liệu đã bắt đầu ảnh hưởng và can thiệp vào công việc, học hành và đời sống xã hội của bạn hay chưa? Nếu câu trả lời của bạn là “Rồi” thì đây chính là thời điểm để bạn cai “cơn nghiện” sử dụng mạng xã hội lớn nhất hành tinh của mình.

1. Xác định đúng mục tiêu

Facebook là một mạng xã hội tuyệt vời. Facebook giúp bạn giữ kết nối cũng như chia sẻ mọi điều về cuộc sống thường ngày của mình với gia đình và bạn bè. Nếu là một nhà quản lí, doanh nhân, bạn có thể sử dụng Facebook như một công cụ quảng bá, mang tên tuổi của doanh nghiệp mình tới người dùng khắp mọi nơi một cách hiệu quả. Hơn nữa, Facebook còn là một công cụ giải trí. Kết bạn, chơi game và sử dụng các ứng dụng (apps) là những lí do phổ biến nhất để một người dùng Internet lập nên một tài khoản Facebook cho bản thân mình.

Xác định mục tiêu

Hãy tự hỏi xem bạn sử dụng Facebook để làm gì hay về lí do đầu tiên xuất hiện trong đầu thôi thúc bạn đăng kí một tài khoản Facebook. Việc sử dụng Facebook của bạn sau này có còn bám vào lí do ban đầu đó hay không? Rắc rối bắt đầu xảy ra khi bạn bắt đầu sử dụng Facebook để thực hiện tất cả những hoạt động kể trên (hoặc nhiều hơn nữa) thay vì chỉ lựa chọn ra một mục đích nhất định. Việc sử dụng Facebook “ôm đồm” như vậy sẽ khiến cho trang của bạn trở thành một mớ thông tin rối ren và tệ hại hơn, nó nghiền nát “quỹ thời gian” 24h ít ỏi của bạn mỗi ngày.

Một khi bạn đã xác định đúng đắn mục tiêu sử dụng Facebook cho chính mình, hãy tập trung vào mục tiêu này. Điều này sẽ giúp bạn thấy Facebook hữu ích hơn và không quá sa đà hàng giờ vào những hoạt động “không tên” trên mạng xã hội.

2. Hạn chế thời gian sử dụng.

Một khi bạn đã đặt ra mục tiêu sử dụng Facebook cho mình, hãy xác định chắc chắn tổng thời gian mỗi ngày bạn dành để “online” trên Facebook. Theo một nghiên cứu, tổng thời gian sử dụng máy tính, điện thoại của bạn ngoại trừ thời gian dành cho công việc, học tập không nên quá 2 tiếng trong một ngày.

Nếu bạn dành nhiều hơn hai giờ mỗi ngày trên màn hình và bạn nghĩ Facebook là thủ phạm, hãy quyết định thời gian bạn dành cho nó trong một ngày. Ví dụ, bạn có thể cho phép mình sử dụng facebook nửa giờ mỗi ngày vào mỗi buổi sáng hoặc có thể chia thành 15 phút buổi sáng và 15 phút buổi tối. Sau đó sử dụng đồng hồ hẹn giờ và dừng khi báo thức bạn hết thời gian sử dụng Facebook.

Nhiều công cụ hữu ích như Stayfocusd có thể giúp bạn việc này. Đây là một tiện ích (extension) của Google Chrome, cho phép người dùng Internet giới hạn thời gian sử dụng của họ mỗi ngày trên một website cụ thể. Hãy cài đặt giới hạn này, và một khi bạn vượt quá con số đó, tiện ích sẽ tự động chặn truy cập của bạn vào trang web cho tới khi thời hạn 24h của mỗi ngày trôi qua.

Ngoài ra, bạn hãy tin tưởng và nhờ cậy người thân, ví dụ như cha mẹ hoặc bạn bè, giúp bạn vượt qua “cơn nghiện” này. Hãy nói với họ rằng họ chỉ cho phép bạn truy cập Facebook mỗi ngày một tiếng trong thời gian rảnh rỗi. Sau đó, dù bạn có nói gì đi nữa thì họ cũng tắt máy tính và khiến bạn bận rộn với những hoạt động khác.

Hạn chế thời gian sử dụng

Đây là cách cai “từ từ”. Giảm dần giới hạn thời gian đã nói ở trên sẽ giúp bạn chuyển từ nghiện nặng, nghiện nhẹ sang dần dần… dứt bỏ hẳn Facebook.

3. Chia sẻ mục tiêu của bạn với bạn bè.

Hãy làm sao cho Facebook trở thành một công cụ hữu ích đối với mình, chứ không phải là một cỗ máy tàn phá thời gian, sức khỏe và tiền bạc của bạn. Hãy cài đặt một ứng dụng lịch trên Facebook như 30 Boxes để tổ chức và chia sẻ mục tiêu cũng như các sự kiện của bạn trên “Phây” một cách thông minh. 30Boxes hoạt động như một cuốn lịch online giúp bạn lập danh mục những công việc cần làm và nhận tin nhắn, thông báo từ các mạng xã hội khác như Twitter, MySpace, Blogger… đặc biệt có thể thông qua smartphone của bạn.

Chia sẻ mục tiêu với bạn bè

Bên cạnh đó, đừng quên nhờ bạn bè trên Facebook trở thành những nhân tố thúc đẩy bạn nỗ lực đạt được mục tiêu của mình và thường xuyên nhắc nhở bạn các mốc thời gian trên hành trình “cai nghiện” Facebook của bản thân qua ứng dụng này.

4. Sử dụng Facebook như “phần thưởng” cho việc hoàn thành tốt công việc

Nên cạnh đó, khi đã xác định rằng Facebook là một công cụ giải trí của bản thân mình, hãy coi đây như một phần thưởng cho bản thân khi bạn làm tốt một công việc nào đó. Bạn có thể tham khảo phương pháp học tập Pomodoro khá thông dụng để thực hiện điều này. Theo trang web Pomodorotechnique.com, Phương pháp Pomodoro” là phương pháp giúp bạn làm tốt việc quản lý thời gian thông qua việc chia thời gian ra thành những khoảng có giá trị để hoàn thành cái mà chúng ta muốn làm và xen kẽ những khoảng thời gian làm việc là những khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn. Về cơ bản, đây là cách đơn giản và hữu hiệu để giúp bạn quản lý thời gian trong khi bạn đang cố hoàn thành một công việc nào đó.

Sử dụng facebook như phần thưởng

Dưới đây là những gì bạn cần làm nếu quyết định thử thực hiện theo phương pháp Pomodoro:

- Quyết định về những nhiệm vụ bạn sẽ phải thực hiện.

- Cài đặt một bộ đếm thời gian (bằng đồng hồ, điện thoại) trong vòng 25 phút.

- Thực hiện công việc nghiêm túc cho tới khi bộ đếm reo chuông.

- Hãy nghỉ ngơi – thường là trong thời gian 5 phút. Sử dụng Facebook vào thời gian này.

- Lặp lại 3 lần.

- Cứ sau mỗi 4 chu kì “làm việc- nghỉ” kể trên, thời gian nghỉ sẽ kéo dài hơn.

- Lặp lại nếu cần thiết.

Việc đánh dấu vào giấy sẽ giúp bạn theo dõi quy trình của mình. Hãy nhẩm trong đầu rằng thời gian nghỉ kể trên vẫn còn quá ngắn và hạn chế dần đến mức tối thiểu. Sử dụng phương pháp này, người dùng sẽ trở nên kỷ luật, nghiêm khắc với chính bản thân mình hơn khi coi 5 phút ngắn ngủi để lướt Facebook là “phần thưởng” quý giá cho những thành quả mà mình đã nỗ lực hoàn thành sau 25 phút trước đó.

5. Tham gia vào các hoạt động khác

Hãy suy nghĩ xem Facebook có phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn khi so với các hoạt động khác như công việc, trường học, thời gian dành cho bạn bè, gia đình và các sở thích khác? Nếu nó nằm ở trên đầu danh sách và bạn đang từ bỏ những hoạt động đó để dành thời gian cho Facebook thì bạn đã trở thành “con nghiện” của mạng xã hội này rồi.

Một số dấu hiệu cho thấy bạn “nghiện” nặng Facebook:

  • Bạn bỏ bê việc vệ sinh, tập thể dục hay ăn uống lành mạnh?
  • Bạn đang cô lập bản thân bằng cách dành thời gian cho Facebook thay vì tham gia vào các hoạt động thực tế?
  • Bạn không gặt hái được thành công trong học tập cũng như trong công việc vì dành thời gian quá nhiều cho Facebook?

Đây có thể biến thành những tác hại nghiêm trọng có thể gây ra những vấn đề thực sự trong cuộc sống của bạn. Bạn cần lập danh sách tất cả những gì muốn làm thay vì dành thời gian trên Facebook. Sau đó, bắt đầu kế hoạch với ít nhất một hoạt động một ngày. Ví dụ, nếu muốn đọc sách nhưng không có thời gian, bạn có thể mang theo sách và đọc nó lúc ăn sáng thay vì đăng nhập vào Facebook. Sau đó, hãy tăng hoạt động nếu có thể nhưng bạn cần duy trì ít nhất một hoạt động thay thế mỗi ngày.

Bất kỳ khi nào bạn cảm thấy muốn sử dụng Facebook thì hãy tự nhắc nhở bản thân rằng tốt hơn hết là nên trực tiếp đi gặp gỡ bạn bè. Gọi điện cho bạn bè hoặc tổ chức những bữa tiệc nhỏ để tụ tập cùng nhau. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia một số hoạt động thể dục thể thao và chuyển hướng sự quan tâm của mình ra ngoài Facebook.

6. Không cài đặt ứng dụng Facebook trên điện thoại di động

Với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, “cơn nghiện” Facebook càng có nguy cơ trở nên mạnh hơn khi mà chúng ta có thể truy cập ngay cả khi đang trên đường đi du lịch hoặc đi làm. Vì thế, không nên tải ứng dụng này về điện thoại di động. Chỉ sử dụng hạn chế ở máy tính sẽ giúp bạn dễ “cắt cơn” hơn.

7. Chỉ cần tắt máy tính, ngắt kết nối Internet

Bạn cần nhận ra rằng trong giờ làm việc, Facebook là một nguyên nhân lớn khiến bạn mất tập trung. Vì vậy, khi làm việc mà không cần dùng đến Internet thì hãy ngắt kết nối Internet. Và thậm chí không vào email nếu không cần thiết để tránh nguy cơ tranh thủ lướt Facebook.

Và có một thế giới rộng lớn, tuyệt vời hơn những dòng status, những cú like, những comment "vô tri vô giác" của bạn bè mà bạn thấy mỗi ngày trên trang News Feed của mình. Hãy sign out tài khoản Facebook của bản thân, tắt máy tính, bước chân ra ngoài cuộc đời và gặp gỡ mọi người trực tiếp. Hãy bắt đầu đề ra thói quen tập thể dục cho bản thân, tìm cho mình một sở thích riêng hay học một ngôn ngữ. Khi đã có một niềm đam mê ngoài đời thực, bạn sẽ thấy thế giới xung quanh còn nhiều điều thú vị để khám phá hơn là việc cả ngày chỉ “chúi mũi” vào Facebook, với những người bạn mà nhiều khi bạn chẳng biết là ai rất nhiều!

Tắt máy tính

8. Một số mẹo "cai nghiện" Facebook khác

  • Đăng xuất khỏi trang web để bạn phải đăng nhập mỗi khi muốn sử dụng Facebook. Làm như vậy để bạn có thời gian suy nghĩ có nên đăng nhập vào Facebook nữa không. Cách này hiệu quả khi sử dụng trên máy tính.

  • Tạm thời chặn trang web. Bằng cách sử dụng tiện ích mở rộng trình duyệt năng suất như Strick Workflow, bạn có thể chặn bất cứ trang web nào không muốn truy cập trong một khoảng thời gian cụ thể. Sau khi hết khoảng thời gian quy định, bạn có thể truy cập vào trang web đó. Ứng dụng chặn này giúp bạn giảm lượng thời gian sử dụng Facebook.

  • Tắt tất cả thông báo ứng dụng Facebook để không thu hút sự chú ý của bạn.

  • Nếu bạn thường xuyên kiểm tra Facebook, một cách để ngăn chặn việc làm này là ngăn không cho nội dung mới xuất hiện trên newfeed. Bạn có thể sử dụng extension trình duyệt được gọi là FB Purity để tự động sắp xếp lại nguồn cấp tin tức theo thứ tự thời gian. Do đó, Facebook sẽ không hiển thị nội dung mới mỗi khi bạn mở trang web và làm giảm hứng thú khi lướt Facebook.

    Ngoài ra, extension này còn cung cấp cho bạn tùy chọn xóa nguồn cấp tin tức. Nó sẽ hiển thị một khoảng trống ở giữa màn hình và bạn sẽ không bị lôi kéo với những tin tức trên đó nếu mục đích đăng nhập vào Facebook là để đăng nội dung nào đó hoặc kiểm tra một trong các trang doanh nghiệp của bạn. Bạn có thể chăm sóc bất cứ điều gì bạn có thể cần cho công việc và sau đó được thực hiện với nó.

Facebook là một công cụ giống như bất kỳ công cụ nào khác, sẽ có lợi khi chúng ta sử dụng nó một cách hợp lý. Nếu bạn cảm thấy nó kiểm soát cuộc sống của bạn nhiều hơn, hãy thực hiện các bước trên để dần "cai nghiện". Khi được sử dụng một cách khoa học, đó là một tài nguyên có giá trị cho phép bạn kết nối theo những cách có ý nghĩa.

Chúc các bạn không phải là những Facebooker thành viên của “Hội những người cai nghiện Facebook nhưng thất bại”!

Xem thêm:

Thứ Năm, 30/08/2018 17:25
4,310 👨 44.176
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Facebook