Microsoft và Apple: Sự hoà hợp và khác biệt trong chiến lược

Microsoft dưới thời đại của Satya Nadella đang cho thấy những sự thay đổi rất nhanh, mới mẻ. Và nếu như chúng ta cùng nhìn lại những gì mà Microsoft đã thực hiện, ta sẽ thấy một chút gì đó của Apple trong đó. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Microsoft đi theo Apple, thực sự thì Microsoft chỉ theo đuổi mô hình rồi làm lại theo cách của riêng mình, với những chiến lược và mục tiêu hoàn toàn theo bản sắc riêng của công ty.

Bài viết này sẽ cho các bạn một cái nhìn rõ hơn về luận điểm trên, để từ đó thấy được một Microsoft hoàn toàn mới.

Có một chút Apple trong đó...

Microsoft và Apple: Sự hoà hợp và khác biệt trong chiến lược

Microsoft giờ đây cũng đã bán nhiều loại thiết bị phần cứng, từ điện thoại cho đến máy tính bảng, cũng bắt đầu tung ra các bản cập nhật phần mềm miễn phí, cũng tiến hành nâng cấp thường xuyên và không còn bắt người dùng chờ hai ba năm rồi mới nâng cấp lớn một lần (bắt đầu từ Windows 10), và Microsoft cũng đang sở hữu nhiều cửa hàng bán lẻ.

Thế nhưng khi phân tích kỹ hơn thì ta sẽ thấy sự khác biệt trong chiến lược kinh doanh giữa Microsoft và Apple.

Tại Build 2015, Microsoft đã cho thấy công ty đang cố gắng làm mọi thứ để có thể phá vỡ bức tường giữa hệ điều hành và nhiều thiết bị phần cứng. Hơn nữa, với bộ công cụ chuyên biệt, hãng mong muốn các lập trình viên Android và iOS sẽ mang ứng dụng của họ lên Windows. Mục tiêu lớn nhất mà Microsoft thực sự theo đuổi đó chính là những ứng dụng universal (có thể chạy trên nhiều máy khác nhau) - trái ngược hoàn toàn với Apple khi công ty chỉ muốn dịch vụ/chức năng chỉ có mặt trên các thiết bị chạy iOS hay OS X.

Đối với Apple, tương lai của máy tính cá nhân chính là làm cho máy móc trở nên được cá nhân hoá hơn. Đó chính là điều mà Apple mong muốn đối với Apple Watch: tạo ra một mối liên kết mạnh mẽ (theo đúng nghĩa đen) giữa thiết bị thông minh và người sử dụng. Microsoft, mặt khác, định nghĩa tương lai của hãng chính là hướng đến trải nghiệm sử dụng được cá nhân hoá hơn là thiết bị như Apple. Một bên là theo đuổi thiết bị ngày càng được cá nhân hoá, một bên thì tập trung vào cá nhân hoá trải nghiệm người dùng - rõ ràng Microsoft và Apple quá khác nhau ở mảng này,

Thế nhưng thật thú vị là cả hai có thể kết hợp được với nhau...

Microsoft và Apple: Sự hoà hợp và khác biệt trong chiến lược

Từ xưa đến nay, mối quan hệ giữa Apple và Microsoft luôn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhau. Surface với iPad, Zune với iPod, PC với Mac, cả hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ đều theo đuổi chung đối tượng khách hàng, và cố gắng làm thoả mãn những nhu cầu chung. Tuy nhiên, thời thế bây giờ đã đổi thay khi mà Microsoft nhận thấy rằng Android và iOS giờ đây là quá mạnh ở thị trường di động, chính vì thế bắt tay và hoà hợp với cả hai sẽ là giải pháp tối ưu nhất, chí ít là cho đến thời điểm hiện tại.

Microsoft biết rõ Apple tuyệt vời như thế nào ở khâu bán phần cứng. Rõ hơn, khi Apple cập nhật phần mềm hay dịch vụ mới đến với thiết bị của hãng, công ty sẽ cố gắng khiến cho chúng trở nên khác biệt hơn so với phần còn lại. Phần mềm tốt thì phần cứng cũng sẽ đi lên, doanh thu hằng năm cho thấy rằng chính các thiết bị phần cứng mới là “con gà đẻ trứng vàng” cho Apple, không phải iOS hay OS X. Tất cả những gì Apple thực sự chú trọng thực chất chỉ phục vụ cho việc bán iPhone mới, iPad mới hay Mac mới - và giờ đây thậm chí là Apple Watch nữa.

Tận dụng iOS và Android để tăng cường sức mạnh cho bộ Office chính là chiến lược mà Microsoft đang thực hiện

Trong khi Apple miệt mài cho ra mắt những sản phẩm công nghệ với chất lượng phần cứng tốt cùng doanh số bán hàng luôn ở mức cao, thì Microsoft lại bắt đầu chuyển trọng tâm sang việc thu hút được một lượng lớn khách hàng. Apple bán máy được nhiều thì Microsoft cũng nên làm gì để tận dụng lợi thế đó, và cuối cùng hãng quyết định tung ra bộ Office miễn phí cho cả Android và iOS.

Quyết định miễn phí bộ Office cho Android và iOS là một bước đi rủi ro cũng như cực kỳ ý nghĩa về mặt chiến lược của Microsoft. Rủi ro là vì Microsoft sẽ gián tiếp thúc đẩy doanh số bán máy của đối thủ, và hãng cũng sẽ mất đi một nguồn lợi nhuận trực tiếp tương đối lớn. Tuy nhiên, Microsoft không ngớ ngẩn đến thế, hãng nghĩ rằng về lâu về dài, bộ Office sẽ có mặt ở khắp nơi nhờ vào độ phổ biến của thiết bị iOS và Android. Qua đó biến Office trở thành một nền tảng - tương tự như cái cách mà Facebook đã thực hiện với Messenger.

Thực tế thì Microsoft đã bắt đầu tiến những bước nhỏ trong công cuộc biến Facebook Messenger thành một nền tảng: ví dụ như thêm add-on Uber vào ứng dụng email Outlook cho iPad - giúp người dùng có thể đặt xe Uber ngay từ lịch. Đây chính là cái cách không chỉ Facebook mà các dịch vụ OTT trước đó như Line của Nhật hay WeChat của Trung Quốc đã áp dụng, ví dụ như kết hợp cả phần tin nhắn, game, thanh toán di động, hoặc thậm chí là gọi dịch vụ taxi vào trong app.

Kết

Tương lai của công nghệ cá nhân chính là di động. Với Apple, di động đồng nghĩa với thiết bị di động, trong khi đó với Microsoft, di động là trải nghiệm di động trên nhiều thiết bị phần cứng. Cho dù đó là Android, iPhone hay Windows, nền tảng cơ bản chỉ là một nhân tố hỗ trợ cho tầm nhìn điện toán đám mây to lớn hơn của Microsoft. Microsoft đã từng theo đuổi mô hình thành công của Apple, và giờ đây hãng đang cố tạo ra những mục tiêu riêng cho mình để trở nên khác biệt.

Với Apple. những thiết bị mỏng hơn, nhẹ hơn, tốt hơn và mạnh mẽ hơn là những gì hãng theo đuổi, với Microsoft thì lại là những thiết bị tương tác mới đầy tiềm năng như HoloLens. Với Apple, hệ điều hành ngay trên tay của bạn, với Microsoft, hệ điều hành ở trên mây. Với Apple, lợi nhuận khổng lồ đã được kiểm chứng, với Microsoft, mọi thứ vẫn còn đó để hãng tự chứng minh bản thân.

Thứ Hai, 25/05/2015 08:00
31 👨 1.477
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp