Kỷ nguyên hậu PC thực sự đã đến?

Tất cả các hãng công nghệ lớn trên thế giới đều đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2012 - tính theo lịch năm, có công ty tính đây là Q3 hay Q1 của năm tài chính, phụ thuộc vào ngày bắt đầu năm tài chính. Ngoài những câu chuyện lỗ lãi, những con số trong bản báo cáo tài chính quý này còn cho ta thấy một sự thật khác về thị trường PC.

Thị trường PC vẫn tăng trưởng

Trong tất cả các báo cáo, các nghiên cứu thị trường PC trong quý vừa qua, doanh số của PC vẫn tiếp tục tăng, thậm có có phần khá nhanh. Tôi lúc đầu tương đối bất ngờ vì vấn đề này bởi hầu hết các dự đoán trước đây đều cho thấy xu hướng ngược lại. Đọc kỹ một chút nữa mới thấy, hầu hết các hãng, các nhà nghiên cứu đều liệt tablet vào doanh số PC. Nhờ đó, doanh số PC tổng cộng tăng trưởng khoảng gần 4% so với quý trước và gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kỷ nguyên hậu PC thực sự đã đến?

Tuy nhiên, con số này không có nhiều ý nghĩa bởi lẽ tablet mang nhiều đặc điểm của các thiết bị di động hơn là những chiếc laptop hay desktop truyền thống.

Thị trường PC truyền thống đang ngừng tăng trưởng

Cách đây khoảng 3 -5 năm, tốc độ tăng trưởng của thị trường này còn rơi vào cỡ trên15% - một con số đáng mơ ước với một thị trường công nghệ đã khá già. Thế rồi, sự ra đời của iPhone kéo theo sự bùng nổ của smartphone và sau đó là iPad khởi đầu thị trường tablet đã khiến cho PC truyền thống bị cạnh tranh khốc liệt. Những nhu cầu làm việc dần dần chuyển sang những thiết bị cầm tay nhỏ bé thay vì PC truyền thống. Doanh số PC tăng trưởng chậm lại, dừng hẳn rồi bắt đầu suy giảm vào quý trước.

Nếu như trước đây, với đa số công việc, trừ những công việc thuần chân tay, PC là sự lựa chọn duy nhất. Thì nay, PC đã mất đi vị thế đó, nhiều người bắt đầu chuyển sang làm việc bằng điện thoại, tablet cho phần lớn các công việc đơn giản như mail, note và các ứng dụng liên quan.

Kỷ nguyên hậu PC thực sự đã đến?
Người dùng đang bắt đầu chuyển sang làm việc bằng máy tính bảng các công việc đơn giản.

Một nguyên nhân khác khiến thị trường PC gặp họa chính vì nó dường như đã lên đến đỉnh cao. Trước khi, cứ khoảng 1 năm không nâng cấp là máy tính của bạn đã có dấu hiệu hụt hơi với các game/ứng dụng mới. Thậm chí, ngay cả với những nhu cầu cơ bản thì sự tình cũng không khá khẩm hơn là mấy.

Còn bây giờ, máy tôi đã hai năm không nâng cấp mà tôi vẫn thấy nó đáp ứng đủ hầu hết các nhu cầu, từ chơi game cơ bản cho đến sử dụng các công cụ thường nhật cho công việc. Ngay cả bạn tôi, một người nghiền game cũng lâu rồi chưa thấy các nhu cầu nâng cấp phần cứng bởi lẽ các tựa game mới ra thường yêu cầu phần cứng thậm chí thấp hơn cả những tựa game cũ. Lâu lắm rồi chưa xuất hiện thêm một sát thủ phần cứng đáng chú ý nào.

Một khi nhu cầu nâng cấp không còn, kinh tế thì rơi vào khó khăn, tuổi thọ các linh kiện ngày càng cao thì động lực duy nhất mở rộng thị trường PC là người dùng mới. Rất dễ hiểu tại sao tốc độ phát triển của thị trường PC lại tồi tệ đến vậy.

Các công ty lao đao và rút vốn

HP bị đánh giá là công ty vô giá trị đến mức một số nhà kinh tế chỉ ra rằng nếu tính toán theo các chỉ số kinh doanh, giá cổ phiếu hãng này phải là âm. Dell đã rút hơn 3 tỷ USD vốn lưu động ra khỏi thị trường sản xuất PC và laptop. Asus, Acer báo cáo tăng trưởng với những con số không thể tồi tệ hơn. Intel đưa ra dự báo vô cùng bi quan về doanh số của bản thân trong thời gian tới.

Tất cả các hãng đang phải tìm lối thoát cho mình. Đa số chuyển sang các sản phẩm mang tính tương đồng và cũng là đại diện tiêu biểu của thời đại hậu PC: tablet. Từ Asus, Acer cho đến những cái tên như Dell, HP đang vật lộn để rút chân khỏi thị trường mà cách đó vài năm còn mang lại cho họ hàng núi tiền. Có thành công, cũng có thất bại nhưng tất cả đều có một điểm chung: kết quả tài chính từ thị trường PC đang cực kỳ ảm đạm.

Nhưng, liệu những con số tài chính có phải dấu chấm hết cho thị trường PC? Câu chuyện này chúng ta sẽ bàn ở phần tiếp sau của bài viết.

Thứ Sáu, 02/11/2012 08:50
31 👨 364
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp