Kiến thức cơ bản về hệ thống dịch vụ DNS động

Liên quan đến cung cấp dịch vụ kết nối Internet mà ISP cung cấp cho khách hàng, có nhiều dạng dịch vụ:

v Dịch vụ kết nối Internet trực tiếp (ví dụ leased-line): Đối với những tổ chức có nhu cầu kết nối Internet tốc độ cao, ổn định có thể thuê dịch vụ kết nối trực tiếp. Mạng của tổ chức sử dụng đường leased-line sẽ luôn luôn kết nối với Internet thông qua đường truyền dẫn riêng. Thường các tổ chức này sẽ được ISP cấp cho một vùng địa chỉ IP tĩnh. Với vùng địa chỉ IP này, tổ chức có thể gắn địa chỉ tĩnh cho các máy chủ và tự duy trì các máy chủ dịch vụ như ftp, mail, web, dns… vì mạng của tổ chức có kết nối liên tục với Internet với tốc độ kết nối cao và ổn định. Nếu không tự duy trì máy chủ, các tổ chức này cũng có thể thuê dịch vụ chạy trên máy chủ của các ISP.

v Dịch vụ kết nối Internet gián tiếp: Điển hình như dịch vụ kết nối Internet thông qua dialup. Với dạng thức dịch vụ này, người sử dụng kết nối Internet sử dụng đường dây điện thoại và không thường xuyên kết nối tới Internet, người sử dụng sẽ ngắt kết nối khi không còn nhu cầu. Dạng thức kết nối này có tốc độ truyền chậm, không được cấp địa chỉ IP tĩnh, thuê bao chỉ sử dụng để truy cập Internet mà không duy trì được máy chủ cung cấp dịch vụ vốn là những host đòi hỏi tính liên tục trong kết nối. Để sử dụng được những dịch vụ như email hay web (với tên miền riêng), … người sử dụng phải đăng ký dịch vụ tại ISP (web hosting, mail hosting…), tức là thuê dịch vụ trên máy chủ của ISP.

v Dịch vụ kết nối Internet tốc độ cao (ADSL): Đây là dạng thức kết nối Internet sử dụng đường dây điện thoại nhưng có tốc độ kết nối Internet cao và là kết nối liên tục, tức mạng của tổ chức được luôn luôn kết nối tới Internet (always-on) . Nếu thuê bao ADSL được ISP cấp địa chỉ tĩnh thì hoàn toàn có thể sử dụng kết nối liên tục này để tự duy trì các máy chủ dịch vụ như ftp, mail, web, dns… tương tự như sử dụng kết nối leased-line. Tuy nhiên hiện nay, để tiết kiệm không gian địa chỉ IP, không chỉ với dạng kết nối dialup mà với cả dịch vụ ADSL, các nhà cung cấp cũng sử dụng phương thức cấp địa chỉ động. Điều này khiến cho những khách hàng sử dụng dịch vụ tốc độ cao ADSL hiện nay chỉ có thể cải thiện tốc độ truy cập Internet chứ vẫn chưa thể tự mình duy trì máy chủ dịch vụ như mail, ftp, web như những đối tượng thuê kết nối trực tiếp leased-line.

Cấp phát địa chỉ động (dynamic IP)

Thông thường, khi một thuê bao kết nối vào Internet, nhà cung cấp dịch vụ (ISP) mà thuê bao này đăng ký sử dụng dịch vụ Internet sẽ cấp cho kết nối này (thực tế là máy chủ làm nhiệm vụ phân bổ địa chỉ động ví dụ DHCP server trong dialup hay BRAS trong dịch vụ ADSL của nhà cung cấp dịch vụ) sẽ tự động gắn cho kết nối của thuê bao một địa chỉ chưa có ai sử dụng trong một khối địa chỉ dùng chung mà ISP dành cho các thuê bao kết nối gián tiếp (kết nối động) gọi là vùng pool. Địa chỉ đã được cấp này chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian thuê bao này kết nối Internet, khi thuê bao ngắt kết nối, địa chỉ này được giải phóng để cho thuê bao khác sử dụng và thuê bao sẽ được cấp một địa chỉ khác trong lần kết nối mới .

Hệ thống tên miền tĩnh (Static DNS) truyền thống.

Mọi máy tính, thiết bị mạng (host) trên mạng Internet liên hệ với nhau bằng địa chỉ IP. Để thuận tiện cho việc sử dụng thì người ta dùng tên (tên miền) để xác định host đó, Hệ thống máy chủ tên miền được sử dụng để ánh xạ tên miền thành địa chỉ IP, nhờ đó khi muốn liên hệ tới các host, người ta dùng sử dụng chuỗi ký tự dễ nhớ (tên miền), thay vì sử dụng địa chỉ IP là một dãy số dài khó nhớ.

Khi người dùng có yêu cầu khai báo ánh xạ tên miền vào một địa chỉ IP thì có thể có 2 lựa chọn sau:

- Yêu cầu người quản trị hệ thống máy chủ quản lý tên miền đó khai báo vào CSDL tên miền

- Thông qua các giao diện cung cấp cho người dùng tự cập nhật

Tuy nhiên với những cách ở trên thì phải thực hiện bằng yếu tố nhân công, do đó không phản ánh tức thời được. Tuy nhiên nó rất phù hợp với những hệ thống mà địa chỉ IP ít thay đổi (hệ thống leased-line)

Với dịch vụ được cung cấp địa chỉ IP động (dial-up, ADSL), mỗi lần kết nối đều được cấp một địa chỉ IP khác, không biết trước là địa chỉ nào do đó việc ánh xạ tên miền và IP động đó là rất khó khăn, không thể thực hiện nhân công.

Sử dụng dịch vụ static DNS, thuê bao của những dạng dịch vụ kết nối được ISP cung cấp địa chỉ động như dialup hoặc ADSL không thể tự mình duy trì được máy chủ cung cấp dịch vụ. Ví dụ tổ chức thuê đường truyền ADSL tốc độ cao tuy cải thiện được tốc độ truy cập Internet. Nhưng nếu tổ chức đó muốn thiết lập một website có tên miền đã được đăng ký gắn liền với tên giao dịch của tổ chức www.quantrimang.com.vn và sử dụng email với tên miền đã đăng ký info@quantrimang.com.vn, tổ chức đó phải thuê dịch vụ mail hosting và web hosting của ISP (tức cài đặt những dịch vụ này trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ) vì máy chủ của ISP có kết nối Internet trực tiếp và địa chỉ IP tĩnh.

Do vậy, Dynamic DNS được phát triển để cung cấp dịch vụ tên miền cho những đối tượng kết nối Internet với địa chỉ IP động, có địa chỉ IP của host thay đổi với tần xuất cao vẫn có thể tự mình duy trì máy chủ cung cấp dịch vụ.

Hệ thống tên miền động (Dynamic DNS).

Nói một cách ngắn gọn, Dynamic DNS là phương thức ánh xạ tên miền tới địa chỉ IP có tần xuất thay đổi cao (do không phải mọi máy tính đều sử dụng địa chỉ IP tĩnh). Dịch vụ DNS động (Dynamic DNS) cung cấp một chương trình đặc biệt chạy trên máy tính của người sử dụng dịch vụ dynamic DNS gọi là Dynamic Dns Client. Chương trình này giám sát sự thay đổi địa chỉ IP tại host và liên hệ với hệ thống DNS mỗi khi địa chỉ IP của host (vốn được cung cấp bởi ISP bằng phương pháp động) thay đổi và sau đó update thông tin vào cơ sở dữ liệu DNS về sự thay đổi địa chỉ đó. Bằng cách này, cho dù máy chủ có thường xuyên bị thay đổi địa chỉ thì tên miền vẫn được hệ thống máy chủ DNS trỏ về đúng địa chỉ được cấp IP mới đó.

Vậy những ai cần đến dynamic DNS:

Như đã đề cập ở trên, những đối tượng không sử dụng dịch vụ kết nối Internet trực tiếp leased-line với địa chỉ IP tĩnh mà thuê kết nối Internet gián tiếp dialup hoặc dịch vụ ADSL có địa chỉ IP động, nếu đăng ký sử dụng Dynamic DNS hoàn toàn có thể tự duy trì máy chủ dịch vụ của mình.

Đặc biệt, các thuê bao ADSL với số lượng ngày càng tăng nhanh sẽ rất hưởng ứng dịch vụ dynamic DNS bởi vì với dynamic DNS, thuê bao ADSL (thường là các tổ chức) có khả năng tự duy trì máy chủ dịch vụ (mail, web, ftp…server), không phải thuê dịch vụ mail hosting, web hosting của ISP vốn rất tốn kém. Việc tự duy trì máy chủ trước đây vốn chỉ có thể đối với các tổ chức có kết nối trực tiếp leased-line vốn là một dạng dịch vụ kết nối giá thành cao.

Để sử dụng dịch vụ dynamic DNS khách hàng phải làm gì:

Để sử dụng dịch vụ Dynamic DNS khách hàng ADSL chỉ cần đăng ký sử dụng dịch vụ với VNNIC, VNNIC sẽ cấp tên miền, account để xác thực. Sau đó khách hàng download chương trình VNNIC Dynamic DNS Client về cài vào máy và thiết lập các thông số (tên miền, tên máy chủ, account). Chương trình này sẽ theo dõi và cập nhật vào hệ thống DNS của VNNIC khi có sự thay đổi IP của kết nối ADSL đó, đảm bảo tên miền của khách hàng luôn được trỏ đúng.

Địa chỉ đăng ký sử dụng: http://dyndns.vnnic.net.vn

Thứ Sáu, 04/03/2005 09:11
51 👨 4.788
0 Bình luận
Sắp xếp theo