Xuất hiện 3 mặt trăng mới trong hệ Mặt Trời

Liên minh Thiên văn quốc tế (IAU) vừa công nhận 3 "công dân" mới của Thái Dương hệ gồm 2 mặt trăng quay quanh Sao Hải Vương và 1 mặt trăng quay quanh Sao Thiên Vương.

Ba mặt trăng mới sẽ được đặt tên theo nhân vật trong thần thoại Hy Lạp và kịch Shakespeare.

Sao Hải Vương ở tiền cảnh và Sao Thiên Vương ở phía xa vừa có thêm một số mặt trăng - Ảnh đồ họa: NASA.
Sao Hải Vương ở tiền cảnh và Sao Thiên Vương ở phía xa vừa có thêm một số mặt trăng - Ảnh đồ họa: NASA.

Mặt trăng quanh Sao Thiên Vương mang số hiệu S/2023 U1, là mặt trăng thứ 28 được biết đến của hành tinh này. Mặt trăng này có đường kính chỉ khoảng 8 km, là một trong những mặt trăng nhỏ nhất của hệ Mặt Trời. S/2023 U1 cần khoảng 680 ngày để quay một vòng quanh Sao Thiên Vương.

Thông thường, mặt trăng của Sao Thiên Vương sẽ được đặt tên chính thức theo tên một nhân vật nào đó trong kịch Shakespeare, giống như các "anh chị em" Titania, Oberon và Puck của nó.

Các vệ tinh mới của Sao Hải Vương mang số hiệu là S/2022 N5 và S/2021 N1 với đường kính lần lượt là 23 km và 14 km, mất lần lượt 9 năm và gần 27 năm để quay quanh hành tinh mẹ khổng lồ.

Hai mặt trăng này sẽ được đặt tên chính thức theo các con gái của nữ thần biển Nereus trong thần thoại Hy Lạp. Trước đó, các nhà khoa học đã xác định được 16 vệ tinh tự nhiên của Sao Hải Vương.

3 vệ tinh mới là những mặt trăng mờ nhất từng được phát hiện bởi kính viễn vọng mặt đất. Điều này cho thấy, công nghệ phát triển có thể giúp con người nhìn vào vũ trụ ngày một xa hơn, rõ ràng hơn.

Trước đó vào đầu năm ngoái, IAU từng nâng tổng số "con" của sao Mộc lên 92 sau khi xác định thêm 12 mặt trăng của hành tinh này. Vài tháng sau đó, Sao Thổ tiếp tục có thêm 62 vệ tinh, và trở thành hành tinh có nhiều mặt trăng nhất hệ Mặt Trời với 145 cái.

Chủ Nhật, 10/03/2024 09:15
31 👨 229
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ