Tại sao EU không ngăn cản thương vụ Oracle-Sun?

Mặc dù phần mềm nguồn mở MySQL là mấu chốt trong cuộc điều tra chống độc quyền của EU liên quan tới thỏa thuận sáp nhập Oracle - Sun Microsystems nhưng nhiều khả năng thương vụ này vẫn được thông qua bất chấp nhiều trở ngại. Tại sao EU lại gật đầu thương vụ mua bán có trị giá lên tới 7,4 tỉ USD này?

Điều tra độc quyền

Bắt đầu từ ngày 3/9, các nhà làm luật EU sẽ bắt đầu cuộc điều tra chống độc quyền trong thương vụ Oracle-Sun. Mục đích của cuộc điều tra này là nhằm khẳng định Oracle sẽ cam kết phát triển phần mềm cơ sở dữ liệu nguồn mở MySQL của Sun. Trên thực tế từ trước khi vụ sát nhập này diễn ra, MySQL là đối thủ cạnh tranh với phần mềm cơ sở dữ liệu (CSDL) của Oracle. Nhiều người lo ngại rằng sau khi mua lại Sun, Oracle sẽ bỏ rơi và thậm chí là xóa sổ MySQL nhằm củng cố địa vị cho phần mềm CSDL Oracle.

Trước đó, khoảng trung tuần tháng 8/2009, Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) đã phê duyệt thỏa thuận Oracle-Sun. Riêng với DoJ, thương vụ này cũng gặp một số trục trặc. Tuy thỏa thuận sáp nhập được công bố từ tháng 4/2009, nhưng đến tháng 7/2009 mới được toàn bộ cổ đông của Sun thông qua. Sở dĩ thời gian phê duyệt của Bộ Tư pháp Mỹ hơi chậm là bởi khúc mắc liên quan tới vấn đề cấp phép Java, ngôn ngữ lập trình do Sun phát triển và hiện đang chạy trên 7 tỉ thiết bị điện tử toàn cầu, trong đó có cả điện thoại di động và máy tính cá nhân.

Sau khi mua lại Sun, Oracle sẽ có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với tiến trình phát triển Java, công nghệ chủ chốt trong các sản phẩm của hãng này, đồng thời sẽ “chân ướt chân ráo” thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới – thị trường phần cứng.

Phê duyệt của EU sẽ là nút gỡ cuối cùng trong vụ sát nhập Oracle-Sun trị giá 7,4 tỉ USD. Theo lộ trình, phải đến ngày 19/1/2010, Ủy ban châu Âu (EC) mới đưa ra phán quyết cuối cùng cho phép hoặc không cho phép Oracle mua lại Sun. Thông thường EC hay gây áp lực buộc các công ty hoặc tập đoàn lớn phải loại bỏ những yếu tố gây quan ngại tới luật độc quyền (chẳng hạn như bán bớt các bộ phận kinh doanh) trước khi thông qua thỏa thuận sáp nhập.

Ủy viên Hội đồng cạnh tranh EU, Neelie Kroes, nói rằng các nhà lập pháp cần kiểm tra kỹ tác động của vụ mua bán này, bởi bản chất của nó là một công ty kinh doanh CSDL lớn nhất thế giới mua lại một công ty CDSL nguồn mở hàng đầu thế giới. EU cần sự đảm bảo rằng các nhà phát triển phần mềm nguồn mở vẫn được tiếp tục phát triển các sản phẩm dựa trên CDSL MySQL, và khách hàng được quyền lựa chọn giữa 2 sản phẩm nguồn mở (MySQL) và kế thừa (Oracle).

MySQL có khả năng sẽ bị “bỏ rơi”

Có vẻ như động thái trên của EU chỉ muốn làm chậm quá trình sáp nhập chứ không phải là ngăn cản chúng. Có nhiều lý do giải thích cho hành động này. Thứ nhất, mấu chốt của sự quan ngại trong vụ điều tra này là MySQL chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Sun, và nó cũng chỉ canh tranh yếu ớt với Oracle trong một số thị trường nhất định. Doanh thu của Sun trong năm ngân sách kết thúc vào 30/6 vừa qua là 11,4 tỉ USD, nhưng doanh thu từ MySQL chỉ chiếm chưa tới 5% trong số đó. Các chuyên gia tin rằng Oracle có thể coi MySQL là sản phẩm phụ hoặc bán bộ phận này để làm hài lòng các nhà làm luật châu Âu.

Thậm chí ngay cả khi Oracle có giữ lại MySQL thì hãng cũng chả mặn mà gì trong việc đầu tư tiền của để phát triển CDSL này. Một CEO của Thung lũng Silicon nhận xét rằng bất cứ sự cải tiến nào cho MySQL có thể bị hủy bỏ, và Oracle không muốn MySQL trở thành mối đe dọa thường trực đối với sản phẩm Database 11g chính của hãng này.

Trong khi đó, Oracle từ chối bình luận chi tiết về quyết định điều tra của EU, và chỉ nói rằng EC “đã chỉ muốn tìm kiếm thông thông tin” cho giai đoạn 2 của vụ sáp nhập này. Hãng cũng chỉ ra rằng Bộ Tư pháp Mỹ cũng như cổ đông Oracle đã “gật đầu” thương vụ 7,4 tỉ USD.

Cạnh tranh từ CSDL nguồn mở

Hiện tại, Oracle đang là nhà cung cấp sản phẩm hàng đầu cho thị trường CDSL toàn cầu trị giá 21,4 tỉ USD. Tuy nhiên, hãng này cũng phải đối mặt với nhiều sức ép cạnh tranh, điển hình là các đối thủ IBM và Microsoft. Oracle và 2 hãng còn lại này đang chiếm tới 80% thị phần CSDL toàn cầu. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp lại đánh giá cao các giải pháp CSDL nguồn mở, trước hết là bởi chúng rẻ hơn rất nhiều. Ed Boyajian, Giám đốc điều hành EnterpriseDB, công ty bán CSDL nguồn mở PostgreSQL nói rằng có nhiều khách hàng MySQL đã tìm tới ông sau khi nghe tin Sun “bán mình” cho Oracle. Những người này lo ngại rằng MySQL sẽ bị bỏ rơi, hoặc thậm chí không được Oracle tiếp tục phát triển.

Quả thực, các phần mềm CSDL nguồn mở đang là lựa chọn tiết kiệm chi phí cho nhiều doanh nghiệp, và hiện được coi là mối đe dọa đối với Oracle. Nói ví dụ như hãng viễn thông khổng lồ Nhật Bản NTT, mỗi năm hãng này tiết kiệm được 10 triệu USD nhờ sử dụng PostgreSQL thay thế cho các sản phẩm đắt tiền của Oracle. “Phần mềm này [PostgreSQL] vẫn đáp ứng tốt các yêu cầu quan trọng của chúng tôi. Mỗi năm chúng tôi tiết kiệm được khá nhiều tiền để chi cho các hoạt động khác”, Takeshi Tachi, Giám đốc cao cấp Trung tâm phần mềm nguồn mở NTT cho biết.

Trong khi chờ đợi bán công ty cho Oracle, thị phần kinh doanh máy chủ quý 2/2009 của Sun đã giảm đáng kể về tay IBM và Dell. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, có thể sau khi mua lại Sun, Oracle sẽ cung cấp miễn phí MySQL cho khách hàng.

Thứ Bảy, 05/09/2009 11:09
41 👨 443
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp