Doanh nghiệp miền Trung “sợ” thương mại điện tử

Lối tư duy “phải gặp tận mặt, bắt tận tay” mới bàn công việc, hợp đồng đã khiến các DN miền Trung không mặn mà với thương mại điện tử.

Tại Hội thảo “Ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Hoa Kỳ“ do Sở TT&TT Đà Nẵng phối hợp với Viện Tin học Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp ViệtNam vừa tổ chức tại Đà Nẵng, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) miền Trung đã lên tiếng kêu “sợ” thương mại điện tử (TMĐT).

Thương mại điện tử quá “đao to búa lớn”

Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp miền Trung có ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh quá thấp. Một khảo sát 200 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Thuận cho kết quả đến 80% DN không có địa chỉ e-mail và website. Theo ông Vũ Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ (Bộ Công thương), không chỉ DN ở khu vực miền Trung mà DN cả nước chậm ứng dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh.

Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp với Viện tin học doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các hội thảo, các khóa đào tạo, thông qua đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp TMĐT có điều kiện tiếp cận với các doanh nghiệp. Nhưng các DN cung cấp các giải pháp TMĐT này khi tư vấn, giới thiệu những giải pháp TMĐT, đã “đánh bóng” sản phẩm quá hoành tráng, quá “đao to búa lớn” khiến các DN “sợ”. Bên cạnh đó, nhận thức về TMĐT của DN miền Trung còn hạn chế do ảnh hưởng lối tư duy “nông nghiệp”, phải “gặp tận mặt, bắt tận tay” mới bàn tới công việc, mới giao dịch, hợp đồng…

Nhưng phải tự cứu mình bằng ứng dụng TMĐT

Hoa Kỳ có tới hơn 80% hàng tiêu dùng nhập khẩu từ các nước. Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2008, kim ngạch xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ của Đà Nẵng đạt 150 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2007, tập trung vào các ngành hàng: dệt may, thuỷ sản, đồ chơi trẻ em và cần câu cá.

Thị trường Hoa Kỳ là một thị trường hấp dẫn đối với các DN Việt Nam. Vậy làm thế nào để có thể thâm nhập thị trường này một cách hiệu quả là vấn đề thu hút sự quan tâm của DN Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng?

Ông Vũ Duy Khiên cho biết sau một thời gian dài làm tham tán tại Hoa Kỳ ông nhận thấy: DN Mỹ làm ăn khoa học, coi trọng chữ tín và luật pháp thương mại quốc tế, trong khi các doanh nghiệp của Việt Nam lại chưa có sự chuyên nghiệp đó. Hiện tại, có nhiều giải pháp tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, nhưng theo ông Khiên đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử là một trong những giải pháp tốt nhất.

Sau khủng hoảng kinh tế, một sự sàng lọc đối tác của các DN sẽ diễn ra gay gắt. Các DN sẽ dè dặt hơn, lựa chọn kỹ hơn đối tác của họ, và họ cũng tiết kiệm kinh phí đi lại để giao dịch với đối tác hơn. Họ sẽ đẩy mạnh rà soát website của các DN trên thế giới, và những cuộc trao đổi, giao dịch thông qua TMĐT sẽ thay thế cho ngoại giao trực tiếp. Do đó trong điều kiện hiện nay, thông qua TMĐT, các DN của Việt Nam sẽ thâm nhập thị trường này hiệu quả hơn. Đây là giai đoạn mà các DN của Việt Nam nên lập website để quảng bá, giao dịch, tìm hiểu với các DN nước bạn.

Sau khi đã có website, DN của Việt Nam có thể nhờ hiệp hội thương mại, đại diện của Bộ Công Thương tại thị trường này nhờ tư vấn, tiếp thị đến những đối tác có tiềm năng trong thời khủng hoảng. “Tôi cho rằng đây là con đường nhanh nhất để DN của ta vừa thâm nhập thị trường này, vừa có thể cải tổ phương thức làm ăn của mình bằng con đường TMĐT. Nếu làm tốt, DN Việt Nam sẽ biết cách biến giai đoạn khủng hoảng này thành cơ hội mới thâm nhập thị trường Hoa Kỳ”, ông Khiên cho biết.

Thứ Năm, 28/05/2009 10:01
31 👨 418
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp