Cách bảo vệ tài khoản iCloud khỏi bị đánh cắp

Đi kèm với các thiết bị Apple là tài khoản iCloud (Apple ID) để backup và lưu trữ dữ liệu. Ngoài ra iCloud còn để sử dụng để khóa các thiết bị, xóa dữ liệu và báo mất máy.

Hiện nay số lượng người dùng iPhone và các sản phẩm khác của Apple là rất lớn. Đi kèm với các thiết bị Apple là tài khoản iCloud (Apple ID) để backup và lưu trữ dữ liệu, ngoài ra iCloud còn để sử dụng để khóa các thiết bị, xóa dữ liệu và báo mất máy. Bên cạnh đó tài khoản Apple ID còn có thể liên kết với các loại thẻ như Visa, Master Card để thanh toán cho việc mua các ứng dụng trả phí trên Apple Store.

Như vậy có thể nói, tài khoản Apple ID chính là một dữ liệu cá nhân có tầm quan trọng không kém như tài khoản ngân hàng. Hacker lấy được tài khoản iCloud - Apple ID này đồng nghĩa với việc toàn bộ các thiết bị và dịch vụ của Apple mà bạn đang sử dụng đều sẽ bị kiểm soát.

Tuy nhiên, không ít người dùng còn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc giữ bí mật thông tin về tài khoản Apple ID, để đến khi “ mất bò mới lo làm chuồng”. Đây là thực trạng chung của người dùng tại Việt Nam. Đã có không ít trường hợp bị đánh cắp tài khoản Apple ID và khóa các thiết bị, sau đó tống tiền người dùng. Thậm chí có những trường hợp, những hacker này còn báo mất máy trên iCloud, buộc người dùng phải trả tiền thì mới mở lại tài khoản và cung cấp mật khẩu lại.

Cách bảo vệ tài khoản iCloud khỏi bị đánh cắp

Nếu trong trường hợp mất tài khoản Apple ID mà chưa bị báo mất máy trên iCloud, bạn vẫn còn cơ hội để lấy lại tài khoản của mình.

Còn trong trường hợp báo mất máy trên iCloud, Apple hoàn toàn không hỗ trợ được cho người dùng.

Dưới đây là một số cách giúp bạn tránh nguy cơ bị đánh cắp tài khoản Apple ID.

Các bước cần làm để bảo vệ tài khoản iCloud

Bảo mật iCloud đang là một chủ đề nóng hiện nay. Có nhiều mối đe dọa liên quan đến việc đánh cắp mật khẩu tài khoản, khiến người dùng lo lắng về mức độ an toàn của dữ liệu iCloud.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của phương thức end-to-end encryption mà Apple sử dụng đã giúp iCloud an toàn khỏi các cuộc tấn công từ tin tặc như thế nào. Nhưng có rất nhiều thứ bạn có thể làm để giúp iCloud an toàn và được bảo vệ tốt hơn. Dưới đây là các bước cơ bản giúp bạn tăng cường bảo mật cho iCloud của mình.

Bước 1: Tạo mật khẩu mạnh

Tạo mật khẩu mạnh

Mật khẩu bạn sử dụng cho iCloud phải giống với mật khẩu của tài khoản Apple. Apple yêu cầu mật khẩu này phải dài ít nhất 8 ký tự, sử dụng cả chữ hoa và chữ thường, và có ít nhất một chữ số, nhưng bạn có thể bổ sung thêm các yếu tố khác nếu muốn.

Reset lại mật khẩu Apple ID của bạn và làm cho nó mạnh nhất có thể: độ dài khoảng 15 ký tự, chứa cả chữ hoa và chữ thường, có nhiều chữ số và ký hiệu. Nếu bạn lo lắng về việc nhớ một chuỗi ký tự ngẫu nhiên, một chiến thuật phổ biến là sử dụng cụm từ hoặc từ quen thuộc và thay đổi các chữ cái bằng số và ký hiệu đặc biệt. Hoặc sử dụng một trình quản lý mật khẩu chuyên dụng để làm điều đó. Trình quản lý mật khẩu đang ngày càng trở nên quan trọng trong môi trường bảo mật kỹ thuật số như hiện nay, vì vậy nếu bạn chưa sử dụng một trình quản lý mật khẩu nào thì hãy xem xét lại quyết định của mình.

Bước 2: Thiết lập câu hỏi bảo mật nếu cần

Thiết lập câu hỏi bảo mật

Nếu bạn chưa truy cập Apple ID của mình trong một thời gian, rất có thể bạn chưa thiết lập bất kỳ câu hỏi bảo mật nào. Những câu hỏi này hoạt động giống như các câu hỏi bảo mật cho bất kỳ cổng bảo mật trực tuyến toàn diện nào: Bạn đặt ra một số câu hỏi cụ thể về cuộc sống của bạn và đưa ra câu trả lời mà những người lạ sẽ không bao giờ biết được. Apple sẽ hỏi những câu hỏi này khi bạn đăng nhập vào tài khoản Apple hoặc thực hiện các thay đổi lớn.

Để tìm câu hỏi bảo mật, hãy đăng nhập vào tài khoản Apple bằng ID và mật khẩu, rồi tìm phần có nội dung “Security”. Ở phía bên phải của trang, chọn nút Edit để mở rộng phần có tên Security Questions. Nếu bạn chưa thêm bất kỳ câu hỏi nào, bạn sẽ thấy tùy chọn “Add Questions”. Nếu bạn đã đặt câu hỏi nhưng muốn kiểm tra và tinh chỉnh chúng, bạn sẽ thấy tùy chọn “Change Questions”.

Lưu ý: Một số người không thể thấy tùy chọn thiết lập câu hỏi bảo mật khi họ đăng nhập vào Apple ID. Nếu bạn không thấy tùy chọn này, bạn có thể bỏ qua bước đó. Điều này xảy ra khi ai đó đã thiết lập xác thực hai yếu tố. Việc đó sẽ ghi đè tính năng liên quan đến câu hỏi bảo mật và có thể xóa nó khỏi thông tin tài khoản của bạn.

Bước 3: Bật tính năng xác thực 2 yếu tố cho Apple ID

Xác thực 2 yếu tố

Apple đã từng có tính năng "xác minh hai bước" nhưng được nâng cấp thành "xác thực hai yếu tố". Đây là phương pháp hiệu quả để đảm bảo rằng bạn thực sự truy cập tài khoản của mình từ một trong các thiết bị thực do bạn sở hữu. Về cơ bản, xác thực này giúp thiết lập một thiết bị đáng tin cậy và/hoặc số điện thoại mà Apple sẽ gửi mã xác minh đến khi bạn cố gắng đăng nhập từ một thiết bị lạ.

Nếu bạn chưa làm như vậy, việc bật tính năng xác thực hai yếu tố là một quá trình khá đơn giản. Nếu bạn đã đăng nhập vào tài khoản Apple trực tuyến của mình, bạn có thể vào phần Security và xem phần Two-Factor Authentication, sẽ đưa bạn đến với quá trình thiết lập. Bạn cũng có thể thiết lập xác thực bất kỳ lúc nào trên iPhone của mình bằng cách đi tới phần “Settings, Password & Security” và bật “Two-Factor Authentication”.

Two-Factor Authentication

Một lần nữa, hãy nhớ rằng tính năng xác thực hai yếu tố có thể sẽ hủy bỏ các câu hỏi bảo mật của bạn. Tuy nhiên, lời khuyên là bạn nên thiết lập câu hỏi bảo mật trước tiên để (hy vọng) chúng vẫn được liên kết với tài khoản của bạn trong trường hợp nhân viên hỗ trợ cần xác minh danh tính của bạn hoặc xảy ra sự cố khi xác thực. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể bỏ qua quyền xác thực hai yếu tố nếu muốn.

Bước 4: Luôn đăng xuất khi bạn không sử dụng thiết bị của mình

Đăng xuất

Cuối cùng, hãy luôn nhớ nếu bạn đang đăng nhập vào tài khoản Apple của mình trên thiết bị công cộng hoặc thiết bị không phải của bạn, thì đây không phải là một việc làm khôn ngoan (đặc biệt là khi kết nối với Wi-Fi khách). Nhưng đôi khi điều đó có thể cần thiết. Chỉ cần nhớ đăng xuất khỏi tài khoản của bạn khi kết thúc công việc là được.

Trong một bối cảnh tương tự, không cung cấp Apple ID hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai nếu bạn không chắc đó là nhân viên hoặc người đại diện chính thức của Apple.

Những điều cần ghi nhớ

Tự tạo tài khoản Apple ID

Đây là một lỗi khá phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân như người dùng không biết cách tạo tài khoản hay do lười làm vì rắc rối.

Có rất nhiều người dùng sau khi mua máy tại các cửa hàng thường nhờ ngay nhân viên tại cửa hàng kích hoạt máy và tạo tài khoản Apple ID. Việc này tưởng chừng dễ hiểu, nhưng đây lại chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc bị đánh cắp tài khoản Apple ID.

Vậy làm thế nào để phòng tránh nguy cơ này? Câu trả lời rất đơn giản: bạn hãy tự tay tạo tài khoản Apple ID cho mình với các thông tin bảo mật cá nhân.

Nếu trong trường không biết cách tạo tài khoản, người dùng có thể nhờ nhân viên cửa hàng hướng dẫn. Nhưng nhất thiết người dùng phải là người điền các thông tin như mật khẩu, email, câu hỏi bí mật.

Hoặc sau khi nhờ người khác tạo tài khoản, bạn hãy đổi lại mật khẩu, và quan trọng nhất là câu hỏi bí mật, vì đây chính là chìa khóa để bạn đổi lại mật khẩu cho tài khoản của mình.

Không lưu mật khẩu ra giấy hoặc những nơi người khác có thể dễ dàng xem được

Bạn đã tự tay tạo được tài khoản cho mình, nhưng lại sợ quên nên thường ghi ra giấy, lưu trên tin nhắn điện thoại, lưu trên note trong điện thoại, hay lưu trên 1 file trong máy tính. Sẽ không vấn đề gì nếu các thiết bị này chỉ mình bạn là người sử dụng và không bao giờ bị mất.

Tất nhiên là không ai khẳng định được việc này, nên nếu bạn có lưu mật khẩu bằng các cách nêu trên, việc bị đánh cắp tài khoản Apple ID là hoàn toàn có thể xảy ra.

Để khắc phục lỗi này, bạn có thể sử dụng chính tính năng Apple Keychain trên các thiết bị để quản lý các mật khẩu của mình, và như vậy cũng đảm bảo mật khẩu của bạn không bị người khác đánh cắp.

Không dùng chung mật khẩu cho nhiều tài khoản

Chính vì sợ quên mật khẩu, nhiều bạn sử dụng một mật khẩu cho các loại tài khoản của mình từ Yahoo, Facebook… Tưởng chừng việc này rất đơn giản, nhưng chỉ cần một tài khoản nào đó của bạn bị đánh cắp thì sẽ dễ dàng vào được các tài khoản khác.

Để khắc phục tình trạng này, bạn nên sử dụng mặt khẩu riêng cho từng tài khoản. Và để quản lý các mật khẩu tài khoản này, một lần nữa bạn nên dùng Apple Keychain.

Không chia sẻ tài khoản Apple ID cho nhiều người sử dụng

Nếu chia sẻ, bạn có khả năng bị tống tiền bởi chính người thân thiết với mình. Nghe có vẻ khó tin, nhưng lại hoàn toàn có thể xảy ra.

Nếu bạn đang chia sẻ tài khoản Apple ID của mình cho nhiều người sử dụng thì nên tách riêng hai tài khoản: Apple ID sử dụng để tải các ứng dụng trên Apple Store và Apple ID dùng để đăng nhập icloud.

Và tài khoản Apple ID dùng để truy cập iCloud bắt buộc sử dụng riêng và coi như một thông tin cá nhân cần được bảo mật.

Sử dụng chế độ lưu mật khẩu trên các trình duyệt như Safari, Google Chrome, Firefox

Với những bạn ngại mỗi lần đăng nhập phải nhập lại mật khẩu thưởng sử dụng chế độ lưu mật khẩu trên các trình duyệt web như Safari, Google Chrome, Firefox…Vô tình đây lại chính là con đường dẫn đến việc tài khoản của bạn bị đánh cắp. Dễ xảy ra nhất với trường hợp bạn sử dụng một mật khẩu chung cho nhiều loại tài khoản.

Cách khắc phục là bạn hãy bớt một chút thời gian nhập mật khẩu, để không bao giờ sử dụng chế độ lưu mật khẩu tự động này nhé.

Làm gì khi tài khoản Apple ID bị mất?

Trên đây là các lỗi thường gặp phải dẫn đến việc bị đánh cắp tài khoản Apple ID, nhưng trong trường hợp bạn bị mất tài khoản Apple ID thì bạn cần phải làm gì?

Trước hết, nếu bạn đang sử dụng hàng xách tay hoặc máy cũ, gần như không có cách nào để lấy lại được mật khẩu này. Không ít người dùng đã phải ngậm đắng nuốt cay móc hầu bao để chuộc lại tài khoản Apple ID của chính mình. Có những trường hợp mất tiền nhưng cuối cùng cũng không lấy lại được tài khoản. Như vậy từ một thiết bị có giá trị cao cả chục triệu bỗng dưng biến thành đồ chặn giấy, may mắn hơn thì bán rẻ 1-2 triệu đồng cho những nơi thu gom để rã linh kiện.

Xem thêm:

Thứ Năm, 16/04/2020 15:04
51 👨 14.826
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ iCloud