60% doanh nghiệp lớn sẽ phải tham gia TMĐT

Mục tiêu của đề án phát triển TMĐT Thừa Thiên – Huế, đến 2010, khoảng 60% doanh nghiệp lớn tiến hành giao dịch TMĐT loại hình “doanh nghiệp với doanh nghiệp”.

Thêm vào đó, 80% doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ biết đến lợi ích TMĐT và tiến hành GDTMĐT loại hình “doanh nghiệp với người tiêu dùng” hoặc “doanh nghiệp với doanh nghiệp”.

Thách thức cho TMĐT

Đó là các chỉ tiêu đặt ra trong đề án phát triển TMĐT giai đoạn 2006-2010, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phê duyệt. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện trên địa bàn mới chỉ có 200/3.000 doanh nghiệp có website riêng, trong đó 117 doanh nghiệp mới bước đầu tham gia giao dịch trực tuyến trên sàn GDTMĐT Việt Nam (ECVN) và các sàn khác như VN Emart hay Goldshop, số còn lại là quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Tại diễn đàn, triển lãm TMĐT Việt Nam 2009 khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Bộ Công thương tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, đại diện Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: thời gian qua, thông qua các tổ chức khoa học công nghệ, bước đầu Hội đã có một số hoạt động phối hợp, liên kết liên quan đến doanh nghiệp như: tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu khoa học công nghệ ở 200 doanh nghiệp hội viên, phối hợp với Đại học Huế và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức các Hội thảo chuyên đề về “Chuyển giao khoa học công nghệ vào doanh nghiệp". Qua đó, 200 doanh nghiệp Thừa Thiên- Huế đã thành lập được website riêng, nhưng hiện tại, các website này mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm, tiềm năng doanh nghiệp, chưa tiến hành GDTMĐT qua sàn giao dịch để phân phối, kinh doanh sản phẩm theo loại hình “doanh nghiệp với doanh nghiệp” hay “doanh nghiệp với người tiêu dùng”. Lý do, phần đa doanh nghiệp tại Thừa Thiên - Huế có quy mô vừa và nhỏ, nhận thức doanh nghiệp về TMĐT còn hạn chế nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực phục vụ cho việc ứng dụng TMĐT vào kinh doanh, sản xuất chưa được quan tâm đúng mức.

Công ty TNHH Thiên Hương- cơ sở sản xuất, kinh doanh đặc sản nổi tiếng của Huế là kẹo bánh mè xửng được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước yêu chuộng. Đây cũng là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đặc sản truyền thống Huế thành lập được website riêng. Tuy nhiên, theo đại diện doanh nghiệp này, mặc dù rất muốn nhưng đơn vị chưa thể ứng dụng và phát huy một cách có hiệu quả GDTMĐT. Lý do, doanh nghiệp còn thiếu cán bộ điều hành, thiếu kinh nghiệm trong triển khai ứng dụng các mô hình kinh doanh; tại Huế chưa thiết lập được nguyên tắc cơ bản về bảo vệ dữ liệu doanh nghiệp trong TMĐT; an ninh, an toàn dữ liệu doanh nghiệp trong quản lý hành chính, thông tin liên quan đến thị trường, kỹ thuật sản xuất chưa được đảm bảo…

Theo ghi nhận của Báo BĐVN, ngoài khó khăn trên, phần đa doanh nghiệp tại Thừa Thiên- Huế chưa tìm ra lời giải khi doanh nghiệp tham gia GDTMĐT nhưng 100% người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng như các tỉnh thành lân cận chưa có thói quen GDTMĐT. Để tiến hành GDTMĐT, ngoài yêu cầu phải có nhân viên am hiểu về quản lý mạng, luật pháp liên quan đến GDTMĐT trong và ngoài nước, doanh nghiệp phải đầu tư một khoản tiền lớn (từ 15 đến 20 triệu đồng) để xây dựng phần mềm quản lý.

Gỡ rối cho doanh nghiệp

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Trưởng phòng Thông tin xúc tiến thương mại, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, bên cạnh những khó khăn, các doanh nghiệp tại địa phương vẫn có nhiều thuận lợi khi đẩy mạnh GDTMĐT phục vụ sản xuất, kinh doanh. Minh chứng, 100% doanh nghiệp có kết nối internet, tần suất GDTMĐT qua hình thức e-mail, giao dịch trực tuyến chiếm tỷ lệ 50-60%. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020 với mục tiêu, xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế là trung tâm khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học, công nghệ… Đây là động lực nhằm chuyển biến trong nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT, coi TMĐT là một trong những công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí trung gian, bán hàng, tiếp thị, giao dịch thanh toán cũng như mở rộng khả năng lựa chọn hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng.

Để gỡ rối cho doanh nghiệp khi tiến hành đẩy mạnh GDTMĐT, ngoài việc hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý đối với hoạt động TMĐT; quan tâm, hỗ trợ bằng việc đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng cán bộ chuyên trách về TMĐT, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đang hoàn thiện đề án xây dựng sàn Trung tâm GDTM trực tuyến Bắc miền Trung đóng tại TP. Huế để trình Chính phủ phê duyệt.

Sở Công thương và các sở ban ngành liên quan sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện GDTMĐT qua loại hình “doanh nghiệp với người tiêu dùng” hoặc “doanh nghiệp với doanh nghiệp”. Vận động các doanh nghiệp đã thành công và nghiên cứu sản xuất phần mềm, các chương trình kinh doanh hiện đại chuyển giao cho các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm.

Về vấn đề đào tạo nhân lực có trình độ, kỹ năng chuyên môn cao, chủ trương của Sở Công thương là dựa trên mối quan hệ 3 nhà: Nhà nước- Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp. Sở xác định, quan hệ giữa 3 nhà là bình đẳng, ngang cấp. Cụ thể, các nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu các mô hình TMĐT phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp là môi trường thực tiễn phục vụ cho việc nghiên cứu, ứng dụng các chương trình, các phần mềm, các mô hình kinh doanh hiện đại để các nhà khoa học hoàn thiện công trình nghiên cứu phù hợp với yêu cầu thực tiễn…

Thứ Hai, 07/09/2009 13:57
31 👨 586
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp